Chào mừng quý vị đến với khu triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội huyện Thăng Bình nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Thăng Bình (26/3/1975 - 26/3/2025)!
Sau đây, chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng hai mô hình đặc biệt tại triển lãm: Mô hình tháp sách số 50 – biểu tượng của truyền thống cách mạng và khát vọng phát triển của quê hương, và mô hình Phật viện Đồng Dương – một trong những di tích Phật giáo quan trọng bậc nhất của vương quốc Chăm Pa xưa.
1. Đầu tiên là Mô hình tháp sách số 50 – Biểu tượng của truyền thống và khát vọng phát triển
Mô hình tháp sách được thiết kế theo hình số 50, với ý nghĩa tượng trưng cho 50 năm giải phóng huyện Thăng Bình, qua đó thể hiện niềm tự hào về những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đã đạt được trong nửa thế kỷ qua.
Số 50 không chỉ gợi nhắc về một chặng đường lịch sử đầy tự hào mà còn là sự tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương anh hùng. Đây cũng là dịp để chúng ta tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và ôn lại những bài học quý báu trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương.
Phía dưới mô hình số 50 là hình tượng một con thuyền, gợi nhớ về những “con tàu không số” của Đoàn 759, vượt biển, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, thuốc men từ hậu phương vào chiến trường miền Nam. Hình ảnh này nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về những hy sinh cao cả của các chiến sĩ, đồng thời khẳng định tinh thần kiên trung, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Thưa quý vị và các bạn!
Mô hình tháp sách số 50 không chỉ tôn vinh quá khứ mà còn khơi dậy khí thế, tinh thần tự hào và khát vọng vươn lên của nhân dân toàn huyện, quyết tâm xây dựng Thăng Bình trở thành một vùng đất phát triển mạnh mẽ, văn minh và hiện đại trong tương lai.
2. Tiếp theo là Mô hình Phật viện Đồng Dương – Di sản văn hóa đặc sắc của Chăm Pa.
Bên cạnh mô hình tháp sách số 50, mô hình Phật viện Đồng Dương cũng là một điểm nhấn quan trọng của triển lãm, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một trong những trung tâm Phật giáo lớn của vương quốc Chăm Pa xưa.
Phật viện Đồng Dương được xây dựng vào thế kỷ IX, dưới thời vua Indravarman II, khi Phật giáo đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vương quốc Chăm Pa. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc tôn giáo mà còn là một trung tâm Phật giáo lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ. Giai đoạn này, nghệ thuật Phật giáo Chăm Pa phát triển rực rỡ, tạo nên phong cách kiến trúc đặc trưng mà các nhà nghiên cứu gọi là “Phong cách Đồng Dương”.
Hiện nay, Phật viện nằm tại thôn Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình với diện tích rộng 155m x 326m, bao gồm ba cụm kiến trúc chính, được bố trí theo trục tây – đông, mỗi cụm được ngăn cách bởi tường thành. Trải qua hàng thế kỷ và những tác động của chiến tranh, ngày nay, Phật viện Đồng Dương chỉ còn lại những bức tường gạch cổ của tháp Sáng, được chèn chống bởi trụ sắt để bảo vệ di tích khỏi nguy cơ sụp đổ.
Năm 2016, Phật viện Đồng Dương được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đã khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của công trình này. Hiện nay, việc bảo tồn và trùng tu Phật viện Đồng Dương đang được nghiên cứu, thực hiện một cách thận trọng nhằm giữ gìn di sản quý giá này cho thế hệ mai sau.
Trân trọng kính mời quý vị cùng tham quan và khám phá!