Chào mừng quý vị đến với khu triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội huyện Thăng Bình nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện (26/3/1975 - 26/3/2025)!
Kính thưa quý vị!
Một trong những điểm nhấn quan trọng của triển lãm lần này là mô hình Sa bàn quy hoạch vùng huyện Thăng Bình, giúp tái hiện trực quan định hướng phát triển của huyện đến năm 2030.
Mô hình được thiết kế với tỷ lệ 1/10.000, có kích thước 2.000mm x 2.500mm x 700mm, mang đến cái nhìn tổng thể về phân bố các vùng chức năng, hệ thống hạ tầng khung và định hướng không gian phát triển của huyện trong tương lai.
Sau đây, Ban Tổ chức triển lãm xin giới thiệu các nội dung chính được thể hiện trong mô hình:
* Đầu tiên, khi nhìn vào mô hình sa bàn, chúng ta có thể thấy rõ sự phân chia huyện Thăng Bình thành ba tiểu vùng phát triển chính, mỗi vùng có thế mạnh riêng:
• Tiểu vùng Đông: Phát triển đô thị ven biển, du lịch, thương mại và dịch vụ. Các khu vực ven biển như Bình Minh, Bình Hải, Bình Dương sẽ là trọng điểm thu hút đầu tư du lịch, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
• Tiểu vùng Trung: Là trung tâm hành chính - chính trị, dịch vụ, giáo dục và công nghiệp nhẹ. Khu vực thị trấn Hà Lam và vùng lân cận sẽ được đầu tư mạnh mẽ để trở thành trung tâm đô thị của huyện, hướng đến mục tiêu đạt tiêu chí Thị xã Thăng Bình vào năm 2030.
• Tiểu vùng Tây: Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp bền vững và du lịch sinh thái. Vùng này sẽ được đầu tư hạ tầng đồng bộ để khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng.
Tiếp theo, Mô hình sa bàn thể hiện rõ mạng lưới giao thông chính của huyện, đảm bảo kết nối liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng:
- Về Hệ thống giao thông đường bộ:
+ Ta có thể thấy được tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14E – trục giao thông huyết mạch kết nối huyện với các tỉnh thành lân cận.
+ Tuyến đường ven biển Võ Chí Công – tuyến động lực thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ và đô thị ven biển.
+ Mạng lưới đường huyện (ĐH) – đưnâng cấp, mở rộng để kết nối giao thông nội vùng.
- Về Hệ thống giao thông đường thủy: Đó là Sông Trường Giang – tuyến vận tải thủy quan trọng kết nối các vùng ven biển, tạo điều kiện phát triển du lịch đường sông và kinh tế thủy sản.
Ngoài ra, mô hình sa bàn còn thể hiện rất rõ phân bố không gian phát triển kinh tế của Thăng Bình trong tương lai
- Về Phát triển công nghiệp:
+ Mô hình sa bàn thể hiện rõ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang và sẽ được quy hoạch, tạo quỹ đất thuận lợi để thu hút đầu tư sản xuất, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa.
+ Định hướng đến năm 2030, huyện Thăng Bình đặt mục tiêu trở thành thị xã, với tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ chiếm ưu thế trong cơ cấu kinh tế.
- Đối với Phát triển du lịch:
+ Các khu du lịch sinh thái vùng Tây và du lịch biển vùng Đông được quy hoạch bài bản, tạo không gian phát triển bền vững.
+ Những điểm du lịch trọng điểm như bãi biển Bình Minh, Phật viện Đồng Dương sẽ là động lực thúc đẩy ngành dịch vụ - du lịch của huyện.
Kính thưa quý vị!
Mô hình sa bàn không chỉ giúp chúng ta có cái nhìn trực quan về quy hoạch huyện Thăng Bình mà còn thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc phát triển bền vững. Đây cũng là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đồng thời khơi dậy niềm tin và sự đồng lòng của nhân dân trong công cuộc xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, hiện đại.
Có thể nói, mô hình sa bàn là bức tranh thu nhỏ về định hướng phát triển của huyện Thăng Bình đến năm 2030. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua mô hình này, quý vị sẽ cảm nhận được những chuyển biến mạnh mẽ và tiềm năng phát triển của huyện trong tương lai.
Trân trọng kính mời quý vị cùng tham quan và khám phá!