Thứ ba, 21/05/2024, 16:32|
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 - 19.5.2024) ........................................ CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CUỘC ĐẤU TRANH HÀ LAM - CHỢ ĐƯỢC (04/9/1954 - 04/9/2024)

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 01,02,03/2017

Chủ nhật - 15/01/2017 22:11
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 01,02,03/2017
         CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 87 NĂM 
NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
(03/02/193003/02/2017)

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
 
Nhớ “Tết trồng cây” của Bác Hồ
 
Trong không khí rộn ràng khi Tết đến Xuân về, mỗi chúng ta lại nhớ tới cái “Tết” khác-  một mỹ tục do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khởi xướng từ cuối năm 1959, đó là “Tết trồng cây”. Quan tâm đến môi trường thiên nhiên và hiểu được ý nghĩa sâu sắc, giá trị thiết thực của môi trường sống, Bác đã động viên và kêu gọi Nhân dân ta tích cực trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước:
“Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.
Từ lâu, câu thơ của Bác Hồ đã thấm sâu vào tâm trí của hàng triệu trái tim con người Việt Nam, kể từ đó cho tới nay, đã thành một truyền thống tốt đẹp, mỗi dịp Xuân về là “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trồng cây, gây rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Truyền thống đó đã mang lại giá trị thực tiễn, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/02/1969

Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn yêu thiên nhiên, sống gần gũi với thiên nhiên nên từ những ngày hoạt động cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn luôn chú trọng tới việc xây dựng môi trường để bảo đảm cho điều kiện sống và công tác bí mật trong kháng chiến. Ở thời điểm đó, cơ quan thường xuyên phải di chuyển, Người căn dặn cán bộ phải chọn những nơi: “Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”. Đến địa điểm mới, Người cùng cán bộ bắt tay ngay vào việc cuốc đất trồng cây vừa để cải thiện đời sống, vừa để hòa nhập vào thiên nhiên. Người coi việc sống gần gũi, hòa mình với thiên nhiên như một cách để nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề phải đấu tranh chống lại những tai họa của thiên nhiên, “quan tâm đến việc trồng cây” và bảo vệ rừng, cấm phá rừng. Theo Bác, trồng cây ngoài ý nghĩa to lớn là để cho môi trường tự nhiên và quang cảnh đất nước trở nên tươi đẹp hơn thì còn ý nghĩa thiết thực nữa là để chuẩn bị lấy gỗ làm nhà ở cho Nhân dân. Ngày 30/5/1959, với bút danh Trần Lực, Bác đã viết bài: “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”, đăng trên Báo Nhân dân số 1901, trong đó Bác chỉ ra: “Muốn làm cửa nhà tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”. Ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Trong bài viết, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây là công việc đó “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, tất cả Nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. Tại thời điểm đó, Bác đã tính “ở miền Bắc có độ 14 triệu, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây… Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong hai mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Cuối bài báo, Bác Hồ đã viết Tết trồng cây “cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người- từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Điều đó có thể thấy, ý nghĩa của “Tết trồng cây” là hết sức thiết thực và lớn lao. 
Vào buổi sáng ngày 11/1/1960, không khí Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân thật sôi nổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói đại ý rằng, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau.
Mùa Xuân năm 1969, sức khỏe của Bác yếu nhiều, việc bố trí để Bác trồng cây ở một địa phương nào đó theo ý của Bác là một vấn đề hết sức khó khăn. Những người phục vụ Bác rất lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây. Nhưng Bác rất kiên quyết. Người nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...”. Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) là nơi có phong trào trồng cây tốt.
Theo kế hoạch đã chuẩn bị, Bác đến địa điểm trồng cây. Đông đảo các đại biểu, các tầng lớp Nhân dân đã đứng trên những đồi cây đón Bác. Bác trực tiếp trồng thêm một cây đa. Nhìn những xẻng đất, bình nước Bác tưới mát cho cây, mọi người ai cũng xúc động. Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn và thân mật hỏi chuyện và chúc Tết mọi người. Bác căn dặn: “Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.
Bác không chỉ nêu rõ giá trị của việc trồng cây, gây rừng mà còn chỉ rõ những hậu quả và thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý: “Ảnh hương đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”“nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán”. Chính vì thế mà Bác ví rừng là vàng và căn dặn: “Chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Đau xót trước cảnh rừng bị tàn phá, bị khai thác bừa bãi, Bác nói: “Những cây gỗ to bị chặt để đốt hay cho mục nát không khác gì đồng bào mình tự đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Và rồi Bác kêu gọi Nhân dân ta “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng…Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”.
Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở Nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Như vậy có thể thấy, trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ rất quan tâm tới công cuộc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. Tết trồng cây là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh cây cỏ, vì chất lượng cuộc sống của người dân.
Ngày nay, trong bối cảnh trái đất của chúng ta đang đứng trước những vấn nạn như: ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, hạn hán… thì công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu đã trở thành một trong những chính sách quan trọng hàng đầu của Chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hơn 58 năm đã trôi qua, “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và những lời căn dặn của Người về giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái thân thiện, bền vững với đời sống con người càng có ý nghĩa lớn lao và thiết thực. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ vè bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau. 
Nguồn Trang tin điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
THEO DÒNG LỊCH SỬ
* Những ngày đáng nhớ trong tháng 2:
- 02/02/1908: Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người lãnh đạo đầu tiên của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Công đoàn Việt Nam, nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
- 03/02/1930: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
- 07/02/1418: Ngày Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn
- 15/02/1943: Ngày mất anh Kim Đồng- Người đội viên đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh)
- 27/02/1955: Ngày Thầy thuốc Việt Nam
* 03/02/1930: NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
(Đề cương tuyên truyền đăng trên Trang thông tin điện tử Huyện đoàn http://www.tuoitrethangbinh.com)
* 27/2/1955: NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 
Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn ba điều:
“Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
Thương yêu người bệnh- Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“ Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
Xây dựng một nền y học của ta- Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp vơí nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng.
Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cưú và phối hợp thuốc “ Đông” và thuốc “ Tây”.
Vì ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, từ năm 1985, ngày 27 tháng 2 được chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam.
Theo Báo Nhân Dân, số 362, ngày 27/2/1955
 
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC DÀNH CHO THANH NIÊN

Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số 01/2017, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn thông tin Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành dự án phát triển Kinh tế- Xã hội được ban hành ngày 28/12/2016 với các nội dung sau:
Đối tượng áp dụng:
1. Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội (sau đây gọi là thanh niên).
2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 5 Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014; doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên.
Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên
1. Nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề
a) Thanh niên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP mà được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ đào tạo nghề (sau đây gọi là Thẻ) thì được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này tiếp nhận, tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và chi hỗ trợ các nội dung sau:
- Chi hỗ trợ đào tạo quy định tại Điều 10 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;
- Chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTCngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của Thẻ, giá trị còn lại của Thẻ (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.
b) Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của Thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.
c) Trong thời gian đào tạo nghề, nếu thanh niên thôi học (không tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp) thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập biên bản hoặc ban hành quyết định và được quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tiền ăn kể từ ngày khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học.
2. Hồ sơ đăng ký đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua Thẻ
Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp Thẻ, thanh niên lựa chọn nghề và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nộp hồ sơ tuyển sinh kèm theo các giấy tờ sau:
a) Thẻ đào tạo nghề trình độ sơ cấp (bản gốc);
b) Quyết định xuất ngũ (bản sao) đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; giấy chứng nhận tham gia hoạt động tình nguyện (bản sao) đối với thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội;
c) Giấy cam kết chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội (Giấy cam kết theo Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này).
 Nguồn: thuvienphapluat.vn
 
SỔ TAY NGHIỆP VỤ
 
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số 01/2017, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn Hướng dẫn số 62-HD/HĐTN về tổ chức Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Thăng Bình lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2017-2022,  cụ thể như sau:
I. TÊN GỌI CỦA ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP
1. Những đơn vị tổ chức Đại hội đại biểu, thống nhất tên gọi là: Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh + tên địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức Đại hội + lần thứ (nếu có) + nhiệm kỳ.
2. Đoàn cơ sở tổ chức Đại hội đoàn viên, thống nhất gọi tên là: Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh + tên địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức Đại hội + lần thứ (nếu có) + nhiệm kỳ.
3. Đối với chi đoàn cơ sở, thống nhất tên gọi là: Đại hội chi đoàn + tên địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức Đại hội + lần thứ (nếu có) +  nhiệm kỳ.
II. NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI
Những đơn vị có nhiệm kỳ 5 năm 2 lần, thống nhất nhiệm kỳ là 2017 - 2019 (nhiệm kỳ sau là 2019 - 2022); những đơn vị có nhiệm kỳ 5 năm 1 lần, thống nhất nhiệm kỳ là 2017 - 2022.
- Đại hội chi đoàn, đoàn trường trung học phổ thông, đoàn trung tâm giáo dục thường xuyên có nhiệm kỳ 1 năm/lần có thể tổ chức Đại hội trong học kỳ I năm học 2016 – 2017 (Đã thực hiện)
- Hội nghị đại biểu áp dụng đối với các đơn vị sau đây:
+ Đơn vị có nhiệm kỳ 5 năm: 2014 - 2019; 2015 - 2020; 2016-2021
+ Đơn vị có nhiệm kỳ 5 năm 2 lần: 2015 - 2018; 2016 - 2019.
- Việc kéo dài, rút ngắn nhiệm kỳ Đại hội cấp cơ sở do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quyết định nhưng đảm bảo thời gian kéo dài hoặc rút ngắn không quá nửa thời gian nhiệm kỳ của cấp đó.
III. THỜI GIAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP.
1. Thời gian Đại hội đối với các Chi đoàn trực thuộc Đoàn xã, thị trấn:
 - Hoàn thành chậm nhất vào cuối tháng 12/2016.
2. Thời gian Đại hội đối với các đơn vị Đại hội điểm:
-  Đoàn xã Bình Quý hoàn thành trước 15/01/2017.
- Chi đoàn Trung Tâm Y tế huyện Thăng Bình hoàn thành trước 20/01/2017
3. Thời gian Đại hội đối với Đoàn các xã, thị trấn, các Chi đoàn trực thuộc Huyện đoàn:
- Hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/3/2017.
IV. NỘI DUNG ĐẠI HỘI
1. Đại hội Đoàn các cấp thực hiện các nội dung sau
- Tổng kết việc thực hiện nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ qua và xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ mới.
- Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI và dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn cấp trên; đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nếu có).
- Bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới (trừ Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong Quân đội).
- Bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên.
2. Đối với Hội nghị đại biểu Đoàn các cấp thực hiện các nội dung sau
- Sơ kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm tổ chức hội nghị.
- Bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn trong thời gian tiếp theo.
- Thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn cấp trên; đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn (nếu có).
- Bầu đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên.
- Bầu bổ sung Ban Chấp hành (nếu có).
- Thời gian Hội nghị đại biểu Đoàn các cấp tổ chức trước ngày 15/3/2017.
V. XÂY DỰNG VÀ THẢO LUẬN DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN
1. Xây dựng dự thảo các văn kiện
Văn kiện Đại hội Đoàn các cấp bao gồm: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đoàn đương nhiệm trình tại Đại hội (Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm kỳ cũ, phương hướng nhiệm kỳ mới); Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành đương nhiệm; Nghị quyết Đại hội.
Văn kiện Đại hội Đoàn các cấp phải ngắn gọn, súc tích, quán triệt quan điểm chỉ đạo, định hướng chung của Ban Chấp hành Huyện đoàn và cấp ủy đảng.
1.1. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đoàn đương nhiệm trình Đại hội
- Báo cáo phải ngắn gọn, có tính khái quát, đánh giá khách quan, toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn huyện lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội của cấp mình trên các mặt công tác; nhận định được sự chuyển biến trong các mặt công tác của Đoàn, chỉ ra những mô hình mới, cách làm hay để nghiên cứu nhân rộng; phân tích những hạn chế, nguyên nhân, đặc biệt là những hạn chế, nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua. Tập trung đánh giá sâu kết quả đổi mới nội dung, phương thức giáo dục; thực hiện phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”,“Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; việc thực hiện một số chủ trương mới trong công tác xây dựng Đoàn và các chương trình do Đại hội Đoàn huyện Thăng Bình lần thứ XVII và Đại hội Đoàn cấp mình quyết định.
- Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ mới phải đảm bảo quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, định hướng của Đoàn cấp trên; được xây dựng trên cơ sở phân tích toàn diện đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị, đồng thời bám sát nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Xác định rõ nội dung và biện pháp chính để thực hiện các mặt công tác chủ yếu của Đoàn. Làm rõ các giải pháp triển khai công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đổi mới phương thức giáo dục của Đoàn; các giải pháp tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đoàn, nâng cao chất lượng đoàn viên, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên và tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền; các giải pháp chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh; công tác đối ngoại thanh niên và hội nhập quốc tế…
Đối với các phong trào, chương trình hành động cách mạng của tuổi trẻ nhiệm kỳ tới, tập trung một số phong trào phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: phong trào “Thanh niên tình nguyện”, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”; phong trào “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”; các chương trình đồng hành, chăm lo, hỗ trợ thanh thiếu nhi như: chương trình hỗ trợ thanh niên học tập,nghiên cứu làm chủ khoa học công nghệ; chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; chương trình hỗ trợ thanh niên phát triển kỹ năng thực hành xã hội, sức khỏe thể chất, đời sống văn hóa tinh thần.
1.2. Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành
Trên tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm túc, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm tập thể của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các Ủy viên Ban Chấp hành; chỉ ra mặt được và hạn chế, yếu kém, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để xây dựng và phân công nhiệm vụ Ban Chấp hành khóa mới hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
1.3. Dự thảo Nghị quyết Đại hội
Nội dung nghị quyết cần ngắn gọn, súc tích, đảm bảo được tinh thần chỉ đạo của cấp ủy đảng cùng cấp, của Đoàn cấp trên trực tiếp và của Đại hội. Nghị quyết cần xác định các nội dung được thông qua tại Đại hội, gồm: Báo cáo chính trị; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành; tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn cấp trên; ý kiến sửa đổi Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nếu có); kết quả bầu Ban Chấp hành khoá mới và đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên.
* Lưu ý: trong quá trình xây dựng Văn kiện, Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội cần xác định các chuyên đề về những nội dung trọng tâm, các vấn đề mới cần đặt ra đối với công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở địa phương, đơn vị mình để thảo luận rộng rãi, chuẩn bị tham luận tại Đại hội. Để đảm bảo báo cáo chính trị ngắn gọn, súc tích, tổ chức Đoàn các cấp cần chuẩn bị tốt các tài liệu, phụ lục tham khảo (phụ lục số liệu, báo cáo chuyên đề, kết quả điều tra xã hội học…) giúp đại biểu đại hội có đủ cơ sở, tiêu chí đánh giá, góp ý.
2. Thảo luận, góp ý các văn kiện Đại hội
- Việc thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện của Đại hội cấp mình và dự thảo văn kiện của Đại hội cấp trên tổ chức trước Đại hội hoặc trong Đại hội. Hình thức thảo luận, đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội thực hiện dưới nhiều hình thức như: hội nghị, diễn đàn thảo luận để lấy ý kiến tập trung; tổ chức các diễn đàn trực tuyến; gửi văn kiện xin ý kiến đóng góp của cán bộ, đoàn viên thanh niên… Tổ chức góp ý trong các đối tượng thanh niên: trường học, công chức, viên chức, nông thôn, đô thị, công nhân, lực lượng vũ trang… Tổ chức diễn đàn lấy ý kiến góp ý từ cựu cán bộ Đoàn, Hội, các nhà giáo dục…
- Phát huy dân chủ trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên và đại biểu Đại hội; thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc, đi vào những vấn đề trọng tâm, trình bày ngắn gọn (tránh tham luận dài dòng, chung chung, liệt kê thành tích). Qua thảo luận, các cấp bộ đoàn cụ thể hóa vào văn kiện và nghị quyết Đại hội cấp mình.
VI. TRÁCH NHIỆM CỦA BAN CHẤP HÀNH CẤP TRIỆU TẬP ĐẠI HỘI
Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội có các nhiệm vụ sau:
1. Xây dựng Đề án hoặc Kế hoạch tổ chức Đại hội.
2. Xây dựng báo cáo, dự thảo nghị quyết Đại hội.
Xây dựng Báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ qua, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ mới và các báo cáo phụ lục có liên quan; Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành và dự thảo nghị quyết Đại hội.
 3. Công tác nhân sự:
 - Xây dựng Đề án nhân sự Ban Chấp hành và các chức danh; Đề án Ủy ban Kiểm tra và nhân sự Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (nếu có); Đề án Đoàn đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên và hồ sơ nhân sự kèm theo.
 - Phân bổ đại biểu cho các đơn vị trực thuộc và chỉ đạo việc bầu cử đại biểu bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục quy định.
 - Tiếp nhận hồ sơ ứng cử vào Ban Chấp hành, Bí thư (đối với những đơn vị bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội) của đoàn viên không là đại biểu Đại hội.
- Chuẩn bị nhân sự Đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên; giới thiệu đề cử, các nhân sự theo yêu cầu của Đoàn cấp trên.
4. Chuẩn bị và cung cấp báo cáo, tài liệu liên quan về tình hình đại biểu, kết quả bầu cử đại biểu Đại hội cho Đoàn Chủ tịch, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu.
5. Xây dựng nội dung, chương trình Đại hội và chuẩn bị đầy đủ tài liệu, các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí…phục vụ Đại hội.
6. Tổ chức các hoạt động chào mừng Đại hội, chào mừng thành công Đại hội.
7. Báo cáo cấp ủy, Đoàn cấp trên trực tiếp về công tác Đại hội.
VII. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ NHÂN SỰ VÀ QUY TRÌNH BẨU CỬ BAN CHẤP HÀNH, BÍ THƯ KHÓA MỚI
1. Tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành các cấp
Nhân sự Ban Chấp hành các cấp phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chức danh trong Quy chế cán bộ đoàn, đặc biệt nhấn mạnh những điểm sau:
 - Có bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, có năng lực thực tiễn, kinh nghiệm trong công tác, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ do Ban Chấp hành phân công; am hiểu và gắn bó với thanh thiếu nhi, có khả năng đối thoại và định hướng cho thanh thiếu nhi.
- Có khả năng cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đại hội cấp trên và cấp mình, gắn với thực tiễn công tác đoàn và tình hình thanh thiếu nhi ở địa phương, đơn vị.
- Nhiệt tình, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và dám chịu trách nhiệm.
- Có kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, có năng lực công tác xã hội và khả năng vận động thanh thiếu nhi, am hiểu về tình hình địa phương, đơn vị.
- Có uy tín và khả năng quy tụ, biết vận động, huy động các nguồn lực của địa phương, đơn vị và xã hội phục vụ cho các hoạt động của tổ chức Đoàn.
- Trưởng thành từ phong trào Đoàn, Hội, Đội hoặc tham gia hoạt động phong trào thanh thiếu nhi hoặc đã được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức công tác thanh vận.
- Có thời gian tham gia các kỳ họp Ban Chấp hành, khả năng đóng góp ý kiến và tham gia có hiệu quả các hoạt động của Ban Chấp hành.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn chung, các cấp bộ đoàn cần cụ thể hóa để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị mình, chú ý các yêu cầu về độ tuổi, năng lực thực tiễn. Đối với nhân sự dự kiến bầu giữ các chức danh trong Ban Chấp hành, thực hiện theo tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh theo Quy chế cán bộ đoàn và Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12/8/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.
2. Phương pháp, quy trình chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành
- Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội đánh giá kết quả hoạt động của Ban Chấp hành nhiệm kỳ vừa qua, từ đó rút ra những kinh nghiệm, những cơ sở để cụ thể hóa tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu của Ban Chấp hành khóa mới (cụ thể hóa vào Đề án xây dựng Ban Chấp hành khóa mới).
- Hướng dẫn, phân bổ nhân sự để Đoàn cấp dưới thảo luận và giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành khóa mới cấp mình. Văn bản giới thiệu của Đoàn cấp dưới phải có ý kiến của cấp uỷ Đảng cùng cấp.
- Tổng hợp danh sách nhân sự giới thiệu tham gia Ban Chấp hành khóa mới (kể cả nhân sự do cấp triệu tập Đại hội dự kiến, nhân sự ứng cử và nhân sự do Đoàn cấp dưới giới thiệu), lập hồ sơ và tiến hành xác minh đối với những trường hợp cần thiết.
- Báo cáo xin ý kiến của cấp uỷ cùng cấp và Đoàn cấp trên trực tiếp về Đề án và dự kiến nhân sự cụ thể.
- Hoàn chỉnh danh sách dự kiến bầu vào Ban Chấp hành khoá mới để Đoàn Chủ tịch Đại hội giới thiệu hoặc cung cấp khi Đại hội yêu cầu.
Đối với trường hợp đoàn viên không phải là đại biểu đại hội, tự ứng cử vào Ban Chấp hành Đoàn từ cấp huyện và tương đương trở lên phải gửi hồ sơ tự ứng cử đến Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc Đại hội. Hồ sơ ứng cử gồm có: đơn xin ứng cử; sơ yếu lý lịch và nhận xét của Ban Chấp hành Đoàn cấp cơ sở nơi đoàn viên đang sinh hoạt; giấy chứng nhận sức khỏe.
Đối với trường hợp đề cử nhân sự không phải là đại biểu Đại hội, người đề cử phải gửi hồ sơ nhân sự được đề cử cho Đoàn Chủ tịch để Đoàn Chủ tịch báo cáo trước Đại hội. Hồ sơ đề cử gồm có: văn bản đề cử; sơ yếu lý lịch của nhân sự được đề cử; nhận xét của Ban Chấp hành Đoàn cấp cơ sở nơi nhân sự được đề cử đang sinh hoạt; giấy chứng nhận sức khỏe của nhân sự được đề cử và phải được sự đồng ý của người được đề cử bằng văn bản.
3. Quy trình bầu cử Ban Chấp hành khóa mới
- Đoàn Chủ tịch Đại hội trình bày Đề án xây dựng Ban Chấp hành khóa mới. Đại hội thảo luận Đề án (có thể thảo luận theo tổ hoặc theo đoàn đại biểu về yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu Ban Chấp hành) và biểu quyết thông qua Đề án Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới.
- Đại hội tiến hành ứng cử, đề cử nhân sự bầu vào Ban Chấp hành Đoàn khoá mới (có thể ứng cử, đề cử tại tổ thảo luận).
- Danh sách ứng cử viên do Ban chấp hành Đoàn khóa cũ chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức với đại hội.
- Đại hội thảo luận và biểu quyết lập danh sách bầu cử.
- Đoàn Chủ tịch lập danh sách bầu cử, lấy ý kiến biểu quyết của Đại hội thông qua danh sách bầu cử; chuẩn bị phiếu bầu theo các mẫu phiếu kèm theo Hướng dẫn này (Phiếu có đóng dấu của cấp triệu tập đại hội ở góc trái phía trên).
- Bầu Ban Kiểm phiếu. Ban Kiểm phiếu hướng dẫn thể lệ, nguyên tắc bầu cử, điều kiện trúng cử; hướng dẫn cách bỏ phiếu; kiểm tra, niêm phong thùng phiếu; phát phiếu trực tiếp cho đại biểu (hoặc theo đoàn đại biểu).
- Đại hội tiến hành bầu cử; Ban Kiểm phiếu kiểm tổng số phiếu phát ra, số phiếu thu về báo cáo Đại hội.
- Ban Kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu; lập biên bản kiểm phiếu, báo cáo Đoàn Chủ tịch; công bố kết quả bầu cử.
4. Đại hội trực tiếp bầu Bí thư
4.1. Đối với  Đại hội Đoàn cấp cơ sở:
- Đại hội Đoàn cấp cơ sở: Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo Đại hội Đoàn cấp cơ sở bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội ở những nơi có điều kiện, đảm bảo tỷ lệ ít nhất 25% Đoàn cấp cơ sở.
- Ban Thường vụ Huyện đoàn Thăng Bình chỉ định các đơn vị (Bình Đào, Bình Dương, Bình Quý, Bình Nguyên, Bình Tú, Bình Định Bắc, Công an, Trung tâm Y tế) bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội.  
4.2. Phương pháp thực hiện
Ban Thường vụ Đoàn cấp trên trực tiếp lựa chọn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện Đại hội trực tiếp bầu Bí thư trên cơ sở thống nhất với cấp ủy cấp đó. Các đơn vị được chọn chỉ đạo thực hiện Đại hội trực tiếp bầu Bí thư nên là những đơn vị có phong trào tốt, đoàn kết, thống nhất, nguồn nhân sự đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.
- Khi tiến hành công tác bầu cử, Đại hội bầu Ban Chấp hành trước, sau đó bầu Bí thư trong số Ủy viên Ban chấp hành.
- Nếu Đại hội bầu chức danh Bí thư lần thứ nhất không có đồng chí nào trúng cử thì Đại hội tiến hành bầu lần thứ hai (đối với các trường hợp trong danh sách bầu lần thứ nhất). Nếu bầu lần thứ hai vẫn không có đồng chí nào trúng cử thì không tiến hành bầu tiếp nữa. Chức danh Bí thư giao lại cho Ban Chấp hành khóa mới bầu theo quy định. Ban Chấp hành khóa mới không đưa vào danh sách bầu Bí thư đối với đồng chí không bầu trúng chức danh Bí thư tại Đại hội.
- Cách thức tiến hành bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội thực hiện như sau:
+ Sau khi Đại hội bầu và công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành khoá mới, Đoàn Chủ tịch Đại hội thông báo ý kiến chỉ đạo của Đoàn cấp trên trực tiếp và cấp ủy cùng cấp (trong trường hợp chưa có cấp ủy thì có ý kiến của lãnh đạo đơn vị) về việc Đại hội bầu trực tiếp Bí thư và tiêu chuẩn, yêu cầu, phương án nhân sự Bí thư khóa mới để Đại hội thảo luận trước khi tiến hành ứng cử, đề cử.
+ Đại hội tiến hành thảo luận, ứng cử, đề cử nhân sự bầu chức danh Bí thư khóa mới trong số các đồng chí vừa trúng cử vào Ban Chấp hành khoá mới (có thể thảo luận, ứng cử, đề cử tại các tổ hoặc đoàn đại biểu).
+ Đoàn Chủ tịch Đại hội tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử nhân sự Bí thư khóa mới, quyết định cho rút hoặc không cho rút đối với các trường hợp xin rút tên khỏi danh sách bầu cử. Lập danh sách ứng cử, đề cử nhân sự Bí thư khóa mới báo cáo Đại hội biểu quyết thông qua.
Danh sách bầu Bí thư có thể có số dư hoặc không có số dư. Trường hợp danh sách ứng cử, đề cử có từ 3 người trở lên, Đoàn Chủ tịch có thể xin ý kiến Đại hội lấy phiếu tín nhiệm và chỉ đưa những người được trên một phần hai số đại biểu có mặt tín nhiệm vào danh sách bầu Bí thư khoá mới và số lượng tối đa không quá 2 người.
+ Tiến hành công tác bầu cử.
5. Về bầu có số dư và độ tuổi bình quân Ban Chấp hành
5.1. Về bầu có số dư
Danh sách bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ở mỗi cấp phải nhiều hơn số lượng cần bầu, cụ thể:
- Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội chuẩn bị danh sách nhân sự giới thiệu bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khóa mới (kể cả trường hợp Đại hội bầu trực tiếp bí thư) có số lượng nhiều hơn so với số lượng cần bầu ít nhất 15%; số dư tối đa do đại hội quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu. Nhân sự giới thiệu bầu phải đảm bảo tiêu chuẩn; nếu trúng cử Ban Chấp hành khóa mới có thể phân công đảm nhận ngay nhiệm vụ trong Ban Chấp hành.
- Trường hợp tổng số ứng cử viên trong danh sách (gồm nhân sự do Ban Chấp hành khóa cũ đề cử; do đại biểu đại hội đề cử và đại biểu tự ứng cử) nhiều hơn 30 % so với số lượng cần bầu thì Đoàn Chủ tịch giải quyết theo trình tự sau:
+ Trao đổi để nắm nguyện vọng của các đại biểu được đề cử, ứng cử tại đại hội. Nếu các đại biểu được đề cử, ứng cử tại đại hội xin rút tên và tổng số ứng cử viên trong danh sách chưa vượt quá số dư 30% so với số lượng cần bầu thì Đoàn Chủ tịch xin ý kiến Đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử.
+ Sau khi trao đổi với các đại biểu được đề cử, ứng cử tại đại hội nhưng tổng số đại biểu nêu trong danh sách bầu cử vẫn nhiều hơn 30 % so với số lượng cần bầu thì Đoàn Chủ tịch xin ý kiến Đại hội đối với những người được đề cử, ứng cử tại đại hội (không lấy ý kiến đối với các nhân sự do Ban Chấp hành khóa cũ giới thiệu).
Trường hợp cần thiết, Đoàn Chủ tịch lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được đề cử, ứng cử tại đại hội và căn cứ kết quả tín nhiệm, lựa chọn theo số phiếu đồng ý từ cao đến thấp để lập danh sách bầu cử đảm bảo có số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu. Trong trường hợp danh sách bầu cử đã đủ số dư 30% mà ở cuối danh sách lấy phiếu tín nhiệm có nhiều người có số phiếu bằng nhau thì xin ý kiến Đại hội về việc để danh sách bầu cử có số dư cao hơn 30 % so với số lượng cần bầu.
- Chốt danh sách bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phải có số lượng nhiều hơn so với số lượng cần bầu ít nhất 15%.
5.2. Về độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành và độ tuổi theo chức danh
- Độ tuổi bình quân Ban Chấp hành là độ tuổi tính trung bình cộng của tuổi các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành khóa mới.
- Việc xác định độ tuổi tham gia cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn và các chức danh được tính theo năm, lấy thời điểm tính là năm 2017.
- Ban Chấp hành Đoàn các cấp chủ động báo cáo cấp uỷ, rà soát, bổ sung nguồn nhân sự quy hoạch cho nhiệm kỳ mới, đảm bảo độ tuổi bình quân Ban Chấp hành theo quy định sau đây:
+ Cấp cơ sở: bình quân dưới 28 tuổi.
+ Cấp huyện: bình quân dưới 29 tuổi.
Đối với cơ sở Đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp, độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành có thể cao hơn 01 đến 02 tuổi; đối với Ban Chấp hành Đoàn trong Quân đội nhân dân và Công an nhân sẽ có hướng dẫn riêng.
6. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành: số lượng ủy viên Ban Chấp hành các cấp đảm bảo theo quy định sau đây:
6.1. Chi đoàn và chi đoàn cơ sở
- Có dưới 09 đoàn viên: Đại hội bầu Bí thư; nếu cần thiết thì có thể bầu thêm 01 Phó Bí thư.
- Có từ 09 đoàn viên trở lên: Ban Chấp hành có từ 03 đến 05 Ủy viên, trong đó có Bí thư và 01 Phó Bí thư.
6.2. Đoàn cơ sở: Ban Chấp hành có từ 05 đến 15 Ủy viên. Nếu Ban Chấp hành có dưới 09 Ủy viên thì có Bí thư và 01 Phó Bí thư; có từ 09 Ủy viên trở lên thì bầu Ban Thường vụ gồm Bí thư, Phó Bí thư và các Ủy viên Thường vụ.
6.3. Đoàn cấp huyện: Ban Chấp hành Đoàn cấp huyện có từ 15 đến 33 Ủy viên; Ban Thường vụ có từ 05 đến 11 Ủy viên. Trong Ban Thường vụ có Bí thư và từ 01 đến 02 Phó Bí thư.
7. Cơ cấu trong Ban chấp hành Đoàn các cấp
- Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Đoàn các cấp cần có cơ cấu hợp lý để chỉ đạo nhiệm vụ công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn làm ảnh hưởng chất lượng của Ban chấp hành. Cần chú ý một số vấn đề sau:
+ Kết hợp việc chuẩn bị nhân sự được tái cử và nhân sự mới; nhân sự là cán bộ chủ chốt, chuyên trách và kiêm nhiệm; nhân sự là cán bộ, đoàn viên tiêu biểu thuộc các đối tượng, lĩnh vực (công nhân, nông dân, cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, công an, quân đội, trí thức trẻ, doanh nhân trẻ, vận động viên trẻ, văn nghệ sỹ trẻ…).
+ Cơ cấu hợp lý giữa các độ tuổi: Cần xây dựng cơ cấu các độ tuổi để đảm bảo tính kế thừa trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực.
- Cơ cấu trong Ban Chấp hành bảo đảm:
+ Tỷ lệ Ủy viên Ban Chấp hành là nữ ít nhất 25%, tỷ lệ nữ trong Ban Thường vụ ít nhất 15%; phấn đấu trong thường trực Huyện đoàn có cán bộ nữ.
Nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đoàn các cấp phải được cấp ủy cùng cấp và Đoàn cấp trên trực tiếp phê duyệt (trong trường hợp chưa có cấp ủy thì có ý kiến của lãnh đạo đơn vị). Đối với nhân sự trong Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra cơ bản phải nằm trong quy hoạch.
                                                                                                              (còn tiếp)
 
MÔ HÌNH- KINH NGHIỆM

Khởi nghiệp từ 14 con ếch giống
 
Ba năm trước khi Nguyễn Văn Nữa (xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) xây ngôi nhà tường khang trang cùng dãy chuồng trại nuôi ếch quy mô, người trong vùng đồn rằng anh trúng số độc đắc.
Ít ai có thể ngờ rằng chàng trai U-30 lại nhanh chóng trở thành tỉ phú nhờ nuôi ếch... Hiện tại, Nữa đang quy hoạch vùng nuôi ếch hơn 10ha để xây dựng thương hiệu ếch sạch và tiếp tục chế biến ếch thành nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng để chiếm lĩnh thị trường. 
 Chàng trai mê... ếch
Dang dở việc học năm lớp 11, Nữa quyết định đăng ký nhập ngũ để rèn luyện tính kỷ luật và tinh thần không lùi bước. Xuất ngũ, chàng thanh niên này rong ruổi khắp các cánh đồng, hết vác lúa thuê đến lái máy gặt đập liên hợp.
Cũng từ đây, Nữa bắt đầu thấm thía nỗi cơ cực của người làm ruộng, nhất là thường xuyên chứng kiến cảnh chủ ruộng bán lúa xong trả tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật là phủi tay. Gia đình bắt đầu yên tâm khi thấy Nữa chí thú làm ăn. Cưới vợ được một thời gian, bất ngờ Nữa đòi nuôi ếch nhưng vấp phải sự phản đối của gia đình hai bên.
“Lúc đó nuôi ếch còn lạ với vùng này lắm. Nữa đi mượn nợ để mua 14 con ếch cái và mượn của ông anh một con ếch đực để nhân giống” - Nữa cười khi nhắc về khoảng thời gian khởi nghiệp.
Từ mười mấy con ếch giống, mấy tháng sau Nữa gây nuôi được hơn ngàn con ếch thịt và 160 ếch giống. Kể từ đó mỗi tháng Nữa thu về vài triệu đồng tiền lãi.
Gia đình hai bên chưa kịp hoàn hồn vì phi vụ liều của Nữa thì lại “đứng hình” khi anh mượn hơn 200 triệu đồng mua đất xây chuồng trại quy mô.
Nhờ bền chí làm ăn, Nữa bắt đầu thành công nhờ nuôi ếch. Thời gian cao điểm, Nữa bán được giá ếch giống lên đến 2.200 đồng/con, ếch thịt 85.000 đồng/kg. Nợ nần dần được trả hết, Nữa xây dựng nhà cửa khang trang cho vợ con.
Chế biến “mẫu hậu chân dài”
Thấy mô hình nuôi ếch của Nữa “ăn nên làm ra”, dân trong vùng bắt đầu đổ xô làm theo. Cung vượt cầu nên giá ếch giống lẫn ếch thịt lao dốc không phanh, chỉ còn 500 đồng/ếch giống và 23.000 đồng/kg ếch thịt. Với giá này, người nuôi cầm chắc... ôm nợ.
Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Nữa quyết định chuyển sang chế biến ếch để nâng cao giá trị sản phẩm.
Món ăn đầu tiên anh chàng xứ bưng biền nghĩ đến là khô ếch. Lúc đó thị trường đã có món khô nhái được mệnh danh là “vũ nữ chân dài”, còn khô ếch chưa xuất hiện nên Nữa gọi sản phẩm này của mình là “mẫu hậu chân dài”.
Những mẻ khô ếch đầu tiên liên tiếp thất bại vì nếu phơi quá khô thì mất hết vị ngọt của ếch, còn phơi không khô thì không cách nào bảo quản được. Khó khăn chồng chất khó khăn vì mỗi lần ướp khô lại cho ra một mùi vị khác nhau.
Thất bại, thất bại rồi thất bại đã khiến hơn trăm triệu đồng của Nữa “đội nón ra đi”. Nhớ lại quãng thời gian nhiều thách thức này của Nữa, vợ anh chỉ còn biết lắc đầu: “Ảnh mà quyết làm cái gì thì trời cản cũng không được”.
Dần dần dòng sản phẩm khô ếch của Nữa được hoàn thiện. Để mang “mẫu hậu chân dài” tiếp cận thị trường, vợ chồng anh bắt đầu đăng ký tham gia hội chợ.
Gần như hội chợ nào ở tỉnh Đồng Tháp cũng có gian hàng khô ếch của Nữa. Ban đầu từ việc phải mời họ dùng thử đến quá nửa số khô mang theo, hiện nay gian hàng bắt đầu có khách quen, nhiều người ăn riết rồi đâm ra ghiền.
Sau mặt hàng khô ếch, Nữa còn mạnh dạn đầu tư máy móc để làm chà bông ếch. Hai dòng sản phẩm này còn được nhiều gian hàng đặc sản Đồng Tháp cho lên kệ.
Đều đặn hằng tháng, Nữa cung cấp ra thị trường 100kg khô ếch và 200kg chà bông ếch với giá bán lần lượt là 400.000 đồng/kg và 700.000 đồng/kg.
Lợi nhuận hằng năm từ việc chăn nuôi ếch đến chế biến sản phẩm lên đến 01 tỉ đồng. Ngoài ra, những phụ phẩm sau khi chế biến ếch Nữa tận dụng làm thức ăn cho ba ba, tăng thêm lợi nhuận.
Hướng đi sắp tới của chàng trai vừa bước qua tuổi 29 là xây dựng vùng nuôi ếch sạch, quản lý chặt từ con giống đầu vào, thức ăn đảm bảo không sử dụng chất cấm, đồng thời quản lý dịch bệnh. “Sản xuất sạch mới là hướng đi lâu dài” – Nữa nói.
Nguồn: thanhgiong.vn
 
THANH NIÊN VÀ NGHỀ NGHIỆP
 
Tiếng Anh – chìa khóa giúp bạn thành công!
 
Hiện nay ngoài bằng cấp và kinh nghiệm thì tiếng Anh đã trở thành tiêu chí tuyển dụng của một số doanh nghiệp dành cho ứng viên, ngoài ra cho dù không bắt buộc thì cũng có sự ưu tiên nhất định dành cho những ứng viên có vốn tiếng Anh tốt hơn so với những người còn lại. Nhưng tại sao nhà tuyển dụng lại đòi hỏi tiếng Anh và tiếng Anh có tầm quan trọng như thế nào đối với quá trình xin việc của bạn?
Xu thế hội nhập của doanh nghiệp trong nước
Ngày nay với xu thế hội nhập, thì việc làm ăn buôn bán không chỉ gói gọn trong nước, mà còn có sự hợp tác với rất nhiều nước khác nhau trên thế giới. Trong đó tiếng Anh dường như là ngôn ngữ trung gian phổ biến và được ưa chuộng nhất để các quốc gia giao tiếp với nhau, vì vậy việc một doanh nghiệp đòi hỏi ứng viên có vốn tiếng Anh cũng là điều dễ hiểu. Đây chính là chìa khóa quan trọng để giao tiếp với thế giới bên ngoài, và nếu bạn có vốn tiếng Anh tốt thì bạn sẽ là một trong những chiếc “chìa khóa” quan trọng ấy.
Sự có mặt của những công ty nước ngoài
Hiện nay song song với các doanh nghiệp trong nước, thì Việt Nam còn có sự hiện diện của các công ty quốc tế, kéo theo đó là những nhà lãnh đạo, những nhân viên trụ cột người nước ngoài. Vì vậy nếu bạn không có vốn tiếng Anh thì khó lòng mà làm việc được trong một môi trường mang tính chuyên nghiệp cao như vậy. Bất đồng ngôn ngữ chính là nguyên nhân khiến bạn không thể tồn tại trong môi trường này.
Phỏng vấn bằng tiếng Anh
Làm việc trong những công ty quốc tế là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ, vừa có mức lương hấp dẫn, lại vừa có tính chuyên nghiệp cao. Nhưng nếu bạn không có tiếng Anh mà người phỏng vấn bạn là một người nước ngoài thì sẽ ra sao? chắc chắn là bị loại ngay từ vòng phỏng vấn, hoặc cũng có thể không bao giờ bạn được gọi phỏng vấn vì không đạt yêu cầu như nhà tuyển dụng đã đề ra.
Có thể trở thành bạn của Sếp
Có rất nhiều người với vốn tiếng Anh tốt đã trở thành “cơ quan ngôn luận” của sếp mình, vì vậy mọi ý kiến họ truyền đạt lại cũng trở nên vô cùng quan trọng. Và với vốn tiếng Anh lưu loát ấy họ đã giúp sếp của mình hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, ngược lại họ cũng học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ người sếp của mình, từ đó khoảng cách giữa nhân viên và sếp ngày càng được rút ngắn, vượt qua khoảng cách về ngôn ngữ màu da, địa vị… họ đã trở thành những người bạn thân thiết và đáng tin cậy của nhau. Và dĩ nhiên công việc của họ cũng sẽ ngày càng thuận lợi vì mối quan hệ tốt đẹp này.
Trở nên chuyên nghiệp hơn
Ngày nay rất nhiều phần mềm tin học, các thiết bị máy móc… đều được lập trình chủ yêu bằng tiếng Anh, vì vậy nếu muốn trở thành một người có năng lực, một nhân viên chuyên nghiệp thì không còn cách nào khác bạn phải trang bị cho mình hành trang tiếng Anh vững chắc, đây cũng là một yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình xin việc cũng như trong quá trình làm việc lâu dài của bạn về sau.
Tự tin trước nhà tuyển dụng
Đa phần những người có vốn tiếng Anh tốt họ rất tự tin trong công việc và cuộc sống, thật vậy để có kết quả tốt trong quá trình học tiếng Anh đòi hỏi phải có sự năng động, phải thường xuyên giao tiếp thì mới mong vốn ngoại ngữ của mình khá lên được. Vì vậy những người sử dụng tiếng Anh lưu loát hiển nhiên trở thành những người rất tự tin và năng động, đây chính là một điểm cộng rất lớn mà nhà tuyển dụng dành cho bạn.
Học tiếng Anh như thế nào là tốt nhất?
Hiện nay đa phần các trường đạo tạo ở Việt Nam đều có kèm theo môn tiếng Anh như là một tín chỉ bắt buộc học sinh, sinh viên phải hoàn thành. Bên cạnh đó còn có rất nhiều trung tâm dạy tiếng Anh bên ngoài, vì vậy vấn đề không phải là học ở đâu mà vấn đề là học như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất. Trong quá trình học bạn không nên quá chú trọng vào lý thuyết mà xem nhẹ phần thực hành, thực hành giao tiếp với bên ngoài chính là con đường ngắn nhất để cho vốn tiếng Anh của bạn ngày càng hoàn thiện.
Hãy trang bị cho mình vốn tiếng Anh ngay từ bây giờ
Có thế nói tiếng Anh là một hành trang vô cùng quan trọng và cần thiết trong quá trình xin việc, ngoài ra tiếng Anh cũng chính là nhân tố quyết định cho sự thăng tiến của bạn về sau. Vì vậy nếu như bạn chưa từng học, hoặc tiếng Anh của bạn còn hạn chế thì hãy trang bị cho mình ngay từ bi giờ. Việc học không bao giờ là quá muộn, Nếu biết phấn đấu làm việc và cố gắng học tập thì thành công là trong tầm tay bạn.
Nguồn vieclam.com
 
THANH NIÊN VÀ PHÁP LUẬT
10 điểm mới quan trọng của Luật nghĩa vụ quân sự 2015
 
Từ ngày 01/01/2016, Luật nghĩa vụ quân sự (NVQS) 2015 bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, có những điểm mới đáng chú ý sau:
1. 06 hành vi bị nghiêm cấm
- Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
- Chống đối, cản trở việc thực hiện NVQS.
- Gian dối trong khám sức khỏe NVQS.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về NVQS.
- Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.
- Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.
2. Đối tượng không được đăng ký NVQS 
Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng ký NVQS:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích.
- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
3. Đối tượng miễn đăng ký NVQS
Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.
4. Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ
Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
5. Cách tính thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ
- Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.
- Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.
6. Kéo dài tuổi NVQS của sinh viên đến hết 27 tuổi
Công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
7. Quy định số lần và thời điểm gọi nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân (CAND)
Hằng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND một lần vào tháng hai hoặc tháng ba.
Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND lần thứ hai.
8. Tạm hoãn gọi nhập ngũ 
Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
- Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.
- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được UBND cấp xã xác nhận.
- Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
- Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND.
- Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế- xã hội của Nhà nước do UBND cấp tỉnh trở lên quyết định.
- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
9. Miễn gọi nhập ngũ   
Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.
- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.
- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, CAND.
- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên. 
10. Được trả lương cho ngày nghỉ để khám sức khỏe NVQS
Chế độ chính sách của công dân trong thời gian đăng ký NVQS, khám, kiểm tra sức khỏe như sau:
- Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức trong thời gian thực hiện đăng ký NVQS, khám, kiểm tra sức khỏe NVQS thì được trả nguyên lương, tiền tàu xe và các khoản phụ cấp hiện hưởng.
- Công dân đến đăng ký NVQS, khám, kiểm tra sức khỏe được bảo đảm chế độ ăn, ở trong thời gian thực hiện đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe, tiền tàu xe đi, về.
 Nguồn: thuvienphapluat.vn
BÀI HÁT THANH NIÊN
 
Dưới Cờ Đảng Vẻ Vang
Sáng tác: Lưu Hữu Phước
 
Dưới cờ Đảng vẻ vang non sông bừng sáng
Toàn Việt Nam sướng vui tiến lên theo Đảng
Hoàng hôn tơi bời bầy chim vỗ kiếm ánh ban mai
Trong ánh ban mai có trăm hoa đua nở phơi phới
Hân hoan đón mùa xuân mới, 
Ta vui đón mùa xuân của tổ quốc
A, hát lên câu hò ơ
A, hát lên cho Đảng thân yêu
Cùng bước lên theo nhịp ngày mai
Vung cánh tay sức ta như hải triều
Sáng ánh sao tin tưởng chiếu
Bao lớp người lao động say sưa
Thêm trái tim chan hòa tình yêu
Đang tiến lên thắm tô màu đỏ cờ
Kết đoàn lại dựng xây nên xã hội mới
Đảng dạy ta quyết tâm đấu tranh thắng lợi
Gìn giữ hòa bình dành thống nhất tươi thắm non sông
Liềm búa công nông đã vùng lên khắp cả thế giới
Và cả khúc khải ca mới
Ta hát khúc khải ca của Đảng

ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI ĐOÀN
 
1. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thông qua việc cụ thể hóa các nội dung trong Chỉ thị phù hợp với thực tế tình hình đoàn viên, thanh niên tại địa phương, đơn vị, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn, trong đó tăng cường triển khai kế hoạch hành động thực hiện chỉ thị 42 CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”.
3. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, công trình, phần việc mừng Đảng- mừng Xuân với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với từng điều kiện địa phương đơn vị, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và con người Ninh Thuận. Tập trung tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam qua 87 năm xây dựng và phát triển, tuyên truyền về khí thế của thanh niên ra sức thi đua lập thành tích mừng Đảng, mừng xuân và chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới chào mừng Đại hội Đoàn huyện Thăng Bình lần thứ XVIII.
4. Tiếp tục triển khai các hoạt động, công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị, chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới chào mừng Đại hội Đoàn huyện Thăng Bình lần thứ XVIII với trọng tâm tham gia đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, phát triển các đội hình thanh niên tình nguyện tại địa phương, đơn vị nhất là trước, trong và sau tết nguyên đán, tập trung ở những nơi thường xuyên diễn ra các lễ hội truyền thống…
5. Tổ chức đa dạng các loại hình văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, chiếu phim, sân chơi cuối tuần hay các hoạt động giải trí lành mạnh phục vụ người dân và đoàn viên, thanh thiếu nhi. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thông tin, tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên và người dân về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, cách phòng, chống bệnh và dịch bệnh vào các thời điểm giao mùa, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, an toàn lao động và thực hiện An toàn giao thông, công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2017, giới thiệu các điểm mới của Luật Nghĩa vụ quân sự trong năm 2015 nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
6. Tuyên truyền những kết quả nổi bật công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi các cấp của huyện Thăng Bình năm 2016, những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đồng thời tuyên truyền việc phát động các đợt thi đua cao điểm chào mừng các ngày lễ lớn của Nhà nước, của Đảng và của Đoàn nhằm phát động tinh thần thi đua sổi nổi trong các bạn ĐVTN.


CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 86 NĂM THÀNH LẬP
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931-26/3/2017)

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
 
Bác Hồ với việc giáo dục thanh niên
 
Cả cuộc đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí minh không quên chăm lo đời sống của mọi tầng lớp Nhân dân, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho thanh niên bởi đó là những chủ nhân tương lai của đất nước. Theo quan điểm của Người thì thanh niên là:
Người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.
Người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc.
Người luôn đi đầu trong mọi công việc với khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có. Việc gì khó thanh niên làm”.
Từ khi còn là một thanh niên yêu nước, trải qua những năm tháng bôn ba xứ người, Người luôn canh cánh con đường giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, lầm than và đào tạo thế hệ kế cận gánh vác trọng trách “giúp nước, cứu nhà”. Người đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc tổ chức, dẫn dắt các thế hệ thanh niên đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ Châu Âu, Châu Mỹ xa xôi đến khi về Quảng Châu - Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng được một đội ngũ những nhà yêu nước trẻ tuổi, trung thành tuyệt đối với con đường cứu nước. Những thanh niên cách mạng ưu tú đó đồng thời đã là những hạt nhân để tiến tới việc thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt nam sau này. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến việc học tập, vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể tham gia hoạt động cách mạng, phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Song song với việc học tập không ngừng, Bác Hồ cũng dành nhiều sự quan tâm giáo dục thanh niên phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư. Bác khuyên thanh niên không được ngại khó khăn, gian khổ, không nề nguy hiểm trong công tác, học tập, chiến đấu. Trong cuộc sống, Bác căn dặn thanh niên biết yêu thương gia đình, kính trọng ông bà, cha mẹ, người cao tuổi, nâng đỡ, dìu dắt thiếu nhi, quý trọng và hiếu thảo với Nhân dân. Thanh niên phải ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Dù ở thời đại nào, thanh niên cũng phải không ngừng vươn lên, phấn đấu, rèn luyện để thật sự là đội quân chủ lực của cách mạng. Bởi một lẽ như Bác Hồ kính yêu đã nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Đến năm 1947, trong thư gửi thanh niên, một lần nữa Bác Hồ lại khẳng định: “… Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cái tương lai đó…”. Trong Di chúc, Người không quên căn dặn Đảng ta quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh niên trở thành những người có tài, có tâm, có lập trường tư tưởng vững chắc, trung thành với mục đích của Đảng, lợi ích của Nhân dân, đủ sức gánh vác những trọng trách mới mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó. Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng Chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Thanh niên “có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức thì là người vô dụng”(Chủ tịch Hồ Chí Minh). Vì vậy, việc bồi dưỡng cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết.
Bên cạnh đó, Người còn yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải chống tâm lý tự ti, tự lợi, chỉ lo vun vén cho lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình, chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc, chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay... đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của đoàn viên, thanh niên.
 Thanh niên dù ở thời đại nào, dù trong chiến tranh hay thời bình đều cần phải rèn luyện qua thử thách, qua môi trường sống với tinh thần "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên" để tôi luyện nên ý chí của tuổi trẻ, khi đứng trước bất cứ khó khăn nào cũng vững gan, bền chí vượt qua. Tuổi trẻ cả nước hôm nay luôn nêu cao tinh thần yêu nước quật cường của cha anh đi trước, phát huy truyền thống của dân tộc, hăng hái, sôi nổi hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào xung kích, tình nguyện;  tích cực tham gia các diễn đàn: "Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại", "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi",…
Trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, Đảng ta vẫn thấm nhuần những lời dạy của Người về công tác thanh niên, đưa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành sinh hoạt chính trị thường xuyên đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Các thế hệ thanh thiếu niên ngày nay ý thức được trách nhiệm, quyền lợi của mình cần phải ra sức rèn luyện, học tập nâng cao mọi mặt trình độ, kiến thức, làm chủ khoa học công nghệ, đặc biệt là trau dồi, tu dưỡng đạo đức cách mạng, trở thành những người “vừa hồng vừa chuyên” như lời Bác dạy, để xứng đáng là những chủ nhân của đất nước trong thời kỳ mới.
Nguồn Trang tin điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
DI TÍCH LỊCH SỬ TẠI THĂNG BÌNH
 
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số 02/2017, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn về Di tích lịch sử Chiến thắng Đồng Dương (Tổ 7, thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)
 CHIẾN THẮNG ĐỒNG DƯƠNG
Trận đánh Đồng Dương xẩy ra tại tổ 7, thôn Đồng Dương, xã Bình Định (hiện nay là xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Từ ngã tư Hà Lam đi theo đường ĐT 613 về hướng Tây khoảng 7km là đến UBND xã Bình Định Bắc, đi một đoạn khoảng 500m về phía tay phải đến cổng làng văn hoá Đồng Dương, từ cổng đi khoảng 500m là đến khu di tích. Nơi xẩy ra trận đánh Đồng Dương cách Trung Tâm Hành Chính Thị Trấn Hà Lam 8km.
Cuối năm 1965, sau khi địch huy động lực lượng với quy mô gồm: bộ binh, pháo binh, cơ giới và máy bay chiến đấu đến chiếm lại Chi khu quân sự và Quận lỵ Hiệp Đức, cùng chiếm đóng các chốt điểm quân sự khác xung quanh khu vực này. Ngày 20/11/1965, Bộ chỉ huy chiến dịch của sư đoàn 2, giao cho trung đoàn Ba Gia tổ chức lực lượng bao vây, tiêu diệt cứ điểm Việt An, nhằm buộc quân địch bung ra giải toả cho cứ điểm này; bởi Việt An là cứ điểm quân sự lớn, nằm cách Quận lỵ Hiệp Đức chưa đầy 10 km, giáp ranh giữa đồng bằng, trung du và miền núi, cửa ngõ phòng vệ cho cả Hiệp Đức lẫn phía Tây Thăng Bình. Tại đây địch bố trí 01 đại đội của tiểu đoàn 2, trung đoàn 5 và cả một hệ thống hầm ngầm, công sự, lô cốt kiên cố. Ngày 26/11/1965, quân ta điều tiểu đoàn 60, trung đoàn Ba Gia có tăng cường thêm 02 đại đội súng máy phòng không, cùng sự phối hợp hỗ trợ của 03 trung đội du kích địa phương tiến công vây hãm cứ điểm Việt An, uy hiếp hệ thống cứ điểm quân nguỵ trên cả hai trục đường 105 và 106. Và sau đó, ngày 06/12/1965, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đánh chiếm đồn này, đồng thời đưa quân về đánh quân nguỵ ở Mộc Bài. Nhưng vào lúc này, sau nhiều ngày do dự và lo sợ, địch quyết định tổ chức cuộc hành quân “Liên kết 118” để giải toả cứ điểm Việt An và vây đánh quân chủ lực của ta đang có mặt trên chiến trường. Ngày 06/12/1965 địch tổ chức một chiến đoàn gồm có tiểu đoàn 11 biệt động quân và 3 tiểu đoàn bộ binh của trung đoàn cộng hoà nguỵ, khoảng 50 xe GMC, 30 xe M113 tập trung tại Hà Lam (quận Thăng Bình). Biết được ý đồ và hành động của địch, chiều ngày 07/12/1965, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định ngưng các cuộc tiến công vào các cứ điểm quân sự của địch và chủ trương cho quân mật phục để tiêu diệt địch trên đường từ Hà Lam đi Việt An. 08 giờ 30 phút ngày 08/12/1965 địch hành quân đến Tây cầu ông Triệu, trong lúc quân ta đang triển khai đội hình mật phục thì hai cánh quân của địch đi theo Nam - Bắc đường 16, cánh quân phía Bắc có tiểu đoàn 11 biệt động quân, cánh phía Nam có một tiểu đoàn bộ binh trung đoàn 5 nguỵ. 09 giờ 30 phút quan sát thấy địch rất rõ, phía Nam đường 16 có khoảng hai đại đội lên Ô Vuông dãy đồi Nam đường dừng lại sục sạo ở điểm cao 25, 30. Phía Bắc đường khoảng một tiểu đoàn có phi pháo chi viện, tiến quân rất chậm và dè dặt, khi qua khỏi làng Tân Thành chia thành 2 mũi vượt qua cánh đồng ruộng nước. 11 giờ 30 phút cánh quân phía Bắc đường 16 đã tiếp cận gần rìa làng trước chính diện đại đội bộ binh 2, đại đội bộ binh 1. Một mũi đã chạm vào khu vực bố trí của trung đội 1 - đại đội bộ binh 1 ở Tháp Đồng Dương, bộ đội đã nổ súng, tiểu đoàn ra lệnh xuất kích. Đại đội bộ binh 2 nhanh chóng xuất kích theo 2 mũi vòng bên sườn phải địch, đại đội bộ binh 3 xuất kích bên trái đánh vòng vào sườn phải quân địch, đánh trúng vào khu vực ban chỉ huy tiểu đoàn 11 biệt động quân và diệt 3 tên cố vấn Mỹ tại chỗ. Bị đánh bất ngờ cả 03 mặt: chính diện, cả bên sườn trái và sườn phải, hàng ngũ địch bị hoảng loạn, chúng cố chống trả và lui về co cụm ở cánh đồng gần làng, dựa vào các bờ ruộng, hàng cây để chống cự lại các đợt tiến công của ta. Tiểu đoàn bộ binh 70 tập trung hoả lực và bộ binh xung phong tiêu diệt được nhiều quân địch. Đại đội bộ binh 3 xuất kích ra hai trung đội diệt được Ban chỉ huy tiểu đoàn địch, nhưng đồng chí cán bộ đại đội bị thương, đồng chí chính trị viên xin để lại một trung đội làm dự bị tung ra sử dụng sau, tiểu đoàn đồng ý, sau 30 phút chiến đấu, đồng chí chính trị viên cũng bị thương, tiểu đoàn không liên lạc được do điện thoại và bộ đàm bị hỏng. Đại đội bộ binh 1 chỉ có một trung đội ra chặn địch ở Tháp Đồng Dương, một trung đội vẫn chốt giữ Đá Biển. Pháo binh địch bắt đầu bắn vào làng Châu Đức, Châu Nho, Đá Biển và có máy bay quan sát L90, 2 máy bay B57, 4 phản lực F105, 4 trực thăng vũ trang HU1A, 1 máy bay C130 phun hơi độc. Do ta nổ súng đánh địch ở Bắc đường 16 rất mãnh liệt nên địch ở dưới cầu ông Triệu và Nam đường 16 nằm im tại chỗ, chỉ dùng cối bắn sang không dám dùng bộ binh tăng viện cho cánh quân Bắc đường 16. Trong thời gian này, tiểu đoàn bộ binh 70 đã sử dụng trên 10 quả cối bắn sang dãy đồi phía Nam đường 16 và bắn chặn địch ở dưới cầu ông Triệu. Sau 02 giờ tiến công áp đảo, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, chiến đoàn 5 nguỵ gồm 2 tiểu đoàn và đại đội biệt kích của trung đoàn 5, tiểu đoàn 11 biệt động quân, đại đội biệt kích của tiểu khu Quảng Tín do tên trung tá Phan Việt Hùng làm chiến đoàn trưởng bị bộ đội chủ lực ta gồm các chiến sĩ tiểu đoàn bộ binh 70 của tỉnh kết hợp với bộ đội địa phương huyện và lực lượng du kích xã Bình Định tổ chức đánh tập kích khắp nơi, ta đã diệt tiểu đoàn 11 biệt động quân nguỵ, loại khỏi vòng chiến đấu 350 tên, trong đó có 3 cố vấn Mỹ, bắt sống 3 lính nguỵ (Ban chỉ huy tiểu đoàn 11 biệt động quân bị diệt), thu 48 súng trong đó có 2 khẩu cối 60mm, 2 đại liên, 8 trung liên, 3 M79, 7 súng ngắn và 26 súng carbin, thomson, garant, nhiều đạn dược và trang bị khác. Bị thất bại ngay từ trận đầu của cuộc hành quân “Liên kết 118”, tên chỉ huy chiến dịch của địch liền ra lệnh cho: tiểu đoàn 1 và 4, đại đội Biệt kích trung đoàn 5, cùng đại đội Biệt kích của tiểu khu Quảng Tín co cụm lại quanh khu vực làng Đồng Dương để cố gắng chống cự và chờ quân cứu viện. Căn cứ vào tình hình và dựa vào các nguồn truyền tin, điện báo của địch với nhau mà chúng ta đã thu nhận được, lúc này biết địch đang tập trung chủ yếu lực lượng tại điểm cao 25, 30, khu vực Đá Biển, quanh tháp Đồng Dương và Ao Vuông. Tuy lực lượng địch đông, nhưng chốt giữ riêng lẽ, không có công sự kiên cố, địa hình vật chất không thuận lợi, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung lực lượng của trung đoàn Ba Gia tiến công tiêu diệt địch trước khi trời sáng và mục tiêu chủ yếu là phía Tây cầu Ông Triệu và các chốt địch có hoả lực mạnh. Về phía ta, lúc này tiểu đoàn 60 đang bao vây Việt An, cách Đồng Dương trên 13 km, các tiểu đoàn 40, 90 cũng cách mục tiêu chừng 5 – 10 km, nên phải vội vã chuyển quân về áp sát mục tiêu chờ giờ nổ súng. Tiểu đoàn bộ binh 90, tiểu đoàn bộ binh 60 hành quân Nam đường 16, riêng tiểu đoàn bộ binh 40 hành quân Bắc đường 16, trên đường hành quân, máy bay B57 thả bom và pháo địch bắn chặn theo trục đường 16 và dọc theo đường làng từ xã Bình Lãnh đến Minh Huy – Xuân Thái, bộ đội phải băng qua đồng để tránh phi pháo. Quá trình có bị thương vong một số phải để lại phía sau, đến khoảng 02 giờ ngày 09/12/1965 cơ bản các đơn vị đã đến khu vực tạm dừng, tiểu đoàn bộ binh 60 xa nhất nhưng cũng đã đến kịp. Các trưởng tiểu đoàn, đại đội về phổ biến kế hoạch chiến đấu và hiệp đồng Từ 03 giờ 45 phút đến 04 giờ, trung đoàn trưởng qua điện thoại chỉ thị tiểu đoàn bộ binh 60, tiểu đoàn bộ binh 90 và qua 2 woát cho các đơn vị triển khai chiếm lĩnh. 05 giờ ngày 09/12/1965, tiểu đoàn bộ binh 60, tiểu đoàn bộ binh 90 triển khai tiếp cận sẳn sàng lệnh nổ súng, riêng tiểu đoàn bộ binh 40 còn đang tiếp cận vì khu vực Châu Đức ngày trước xẩy ra cuộc chiến nên bộ đội vừa nắm tình hình vừa tiếp cận. 05 giờ 15 phút ngày 09/12/1965 chờ đợi không thấy tiểu đoàn bộ binh 40 nổ súng phát lệnh trước theo hiệp đồng, sợ trời sáng, ban ngày sẽ bị phi pháo, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bộ binh 90 đề nghị và được trung đoàn trưởng đồng ý, tiểu đoàn bộ binh 90 cho nổ súng, đồng thời hướng khác cũng đồng loạt nổ súng. Đại đội bộ binh 2 chia thành hai mũi đánh vào Đá Biển, sau 15 phút đại đội trưởng báo cáo gặp khó khăn, nhưng thực tế chỉ còn một hoả điểm đại liên, tiểu đoàn trưởng cho điều trung đội 3 đại đội bộ binh 3 vào tăng cường đột kích, trung đội trưởng trung đội 3 đại đội bộ binh 3 vào gặp các đồng chí đại đội bộ binh 2 sử dụng ngay khẩu B40 bắn diệt ngay hoả điểm và sau đó cùng đại đội bộ binh 2 xung phong chiếm được Đá Biển sau 20 phút. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho đại đội bộ binh 1 từ điểm cao Bắc đường đánh qua điểm cao 30 Nam đường, chiếm xong Đá Biển đại đội bộ binh 2 cùng hai trung đội đại đội bộ binh 3 cùng phát triển dãy điểm cao 30 để hiệp đồng với tiểu đoàn bộ binh 60. Ở đây tiểu đoàn bộ binh 1 đã diệt được Ban chỉ huy cuộc hành quân (Ban chỉ huy chiến đoàn), lúc này thấy địch chạy tán loạn về phía Nam điểm cao 30, tiểu đoàn bộ binh 1 tiếp tục truy kích theo khoảng gân 1km và sau đó tiểu đoàn trưởng cho dừng lại quay về khu vực Châu Nho, Nho Lâm chỉ cho một bộ phận đại đội bộ binh 2 thu dọn chiến trường. Tiểu đoàn bộ binh 60: khi nổ súng đại đội bộ binh 7 đã hình thành 3 mũi: trung đội bộ binh 3 đánh vào giữa đồi 30 bị địch chống trả quyết liệt trong 15 phút bộ đội không tiến lên được, trung đội bộ binh 1 vòng theo sườn đánh thẳng lên phía Bắc điểm cao cũng bị hoả lực địch bắn mạnh, đồng chí trung đội trưởng (Nguyễn Thông) cho bộ đội vòng sâu vào phía Bắc đánh từ sau lưng địch ở mõm 2 đồi 30, lúc đó trung đội bộ binh 2 đánh vào cánh trái theo sườn Nam điểm cao và đại đội bộ binh 7 diệt được rất nhiều địch ở khu vực này. Lúc xung phong lên tuy trung đội trưởng, trung đội phó và một số tiểu đội trưởng của trung đội bộ binh 2, trung đội bộ binh 3 bị thương, nhưng bộ đội vẫn theo hiệp đồng đánh tốt, chỉ sau 20 phút giải quyết xong điểm cao 30 và bắt được liên lạc với tiểu đoàn bộ binh 40, gặp địch chạy về phía Nam đại đội bộ binh 7 cho truy kích theo luôn đến phía Bắc khe Châu Xuân và sau đó một bộ phận lui luôn về phía sau, còn Ban chỉ huy đại đội và một trung đội bộ binh về vị trí chỉ huy tiểu đoàn ở Châu Xuân (Nam khe – Nam điểm cao 30). Đại đội bộ binh 6 chia làm 2 mũi, một trung đội bộ binh đến lên điểm cao 25 không có địch, một trung đội bộ binh đánh thẳng lên Ô Vuông cũng không có địch, chỉ gặp một số địch từ hướng Đá Biển và khu vực tiểu đoàn bộ binh 40 đánh ở Nam đường chạy xuống, đã diệt 10 tên, bắt 5 tên, sau đó về thôn Châu Xuân, có một bộ phận qua luôn thôn Xuân Thái. Đại đội bộ binh 5 dự bị, tiểu đoàn khi phát hiện địch chạy về phía Nam tiểu đoàn trưởng ra lệnh bám sát truy kích địch chỉ cách 70 đến 80m diệt được một số tên ở hướng Đông Nam, còn một số địch chạy theo hướng Tây Nam gần vị trí chỉ huy tiểu đoàn, chính trị viên tiểu đoàn ra lệnh tập trung lực lượng quay lại để diệt cánh quân này, nhưng địch đã tháo chạy rất nhanh, bộ đội đuổi theo không kịp. Các đơn vị truy theo diệt địch, một bộ phận vượt qua khỏi khe dừng lại, một bộ phận đại đội bộ binh 1 cùng với đại đội cối 82mm của trung đoàn lui về đứng ở làng Châu Xuân, một bộ phận rút thẳng về Minh Huy. Lúc này tiểu đoàn bộ binh 2 không nắm được hết lực lượng, chỉ nắm được đại đội cối và một số đồng chí của đại đội bộ binh 5, đại đội bộ binh 6, đại đội bộ binh 7 tại Châu Xuân. Tiểu đoàn bộ binh 90: khi nổ súng, đại đội bộ binh 10 đánh vào Tây cầu ông Triệu không có địch, bị hoả lực trên xe M113, cối, đại liên bên Đông cầu bắn vào đội hình. Theo mục tiêu và khu vực hiệp đồng đại đội bộ binh 10 phát triển lên Ô Vuông diệt một số địch trên đường 16 và liên lạc được với đại đội bộ binh 6 tiểu đoàn 60, lúc quay lại ở phía Đông điểm cao 25 thấy địch chạy nhiều về phía Nam khe, đơn vị đã tổ chức vây và tiêu diệt được nhiều địch, đồng chí đại đội trưởng ra lệnh thu chiến lợi phẩm, súng nào lớn thì lấy nên bộ đội không thu súng nhỏ, sau đó tiểu đoàn ra lệnh quay lại thu dọn, nhưng cũng không thu hết, xong lui về đứng ở làng Châu Xuân Đông. Đại đội bộ binh 9 phát triển ra đánh dọc theo đường 16 không gặp địch, sau khi bắt được liên lạc với các đơn vị Tảo trừ ở khu vực Ô Vuông, điểm cao 25 sau đó tổ chức lui quân, một trung đội về Châu Xuân Đông, hai trung đội lui thẳng về xã Bình Lãnh (Tây Xuân Thái). Đại đội bộ binh 11 dự bị, tiểu đoàn được lệnh vào thu dọn chiến trường cùng với các đơn vị, sau đó phát triển theo đường 16 lên Đông Đá Biển không còn địch. Khi lui đại đội trưởng nắm được một trung đội lui về Châu Xuân, hai trung đội do chính trị viên đại đội chỉ huy đi về Minh Huy (Tây Nam Xuân Thái). Tiểu đoàn bộ binh 70: đứng ở Xuân Thăng, phát hiện tàn binh địch chạy lên tụ lại ở điểm cao 51, trung đoàn trưởng ra lệnh cho một đại đội bộ binh vận động lên tiêu diệt, tiểu đoàn trưởng ra lệnh một đại đội bộ binh, đại đội trưởng chỉ cử một trung đội, trung đội trưởng chỉ cử một tiểu đội lên đánh, diệt được một số tên thu được vũ khí. Nhưng địch phát hiện lực lượng ta ít phản kích lại, tiểu đội này quay lui lại vị trí cũ (khả năng lực lượng này khoảng một đại đội). Trận chiến kết thúc thắng lợi. Kết quả ta đã tiêu diệt: tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 3/ trung đoàn 5 và đại đội biệt kích, đại đội biệt chính Quảng Tín, Ban chỉ huy hành quân (chiến đoàn), đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu 528 tên, bắt sống 50 tên, thu 160 khẩu súng các loại (kể cả du kích thu) và nhiều quân dụng đạn dược. Bắn rơi 4 trực thăng, bắn bị thương 3 máy bay (L19 và F105D). Chiến thắng Đồng Dương đã đánh bại cuộc hành quân “Liên kết 118” của địch ngày từ lần đầu xuất hiện. Đây là thắng lợi then chốt trong chiến dịch tiến công Hiệp Đức - Đồng Dương, qua đó thể hiện được sự hợp đồng tác chiến nhanh, gọn và hiệu quả của quân ta trên chiến trường. Trong trận đánh này, nhiều tấm gương tiêu biểu thể hiện lòng yêu nước, tinh thần bất khuất sẵn sàng quên mình vì nghĩa vụ thiêng liêng như: đồng chí Nguyễn Tấn Chung đã dùng súng bắn rơi một máy bay địch, đồng chí Trà Tấn Y (1921) mặc dù nhà ông đã bị giặc đốt đến lần thứ 7 nhưng ông vẫn kiên cường nuôi dấu các cán bộ trong hầm bí mật như: đồng chí Nguyễn Hữu Cả - Chính uỷ Chính trị của tỉnh Đội Quảng Nam, đồng chí Nguyễn Vui - Trinh sát tỉnh Đội, đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Y tá tiểu đoàn D74. Qua trận đánh quân chận viện của địch xẩy ra trên địa danh làng Đồng Dương xã Bình Định Bắc, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch đến ứng cứu, phá được kế hoạch chi viện của địch, góp phần bảo vệ được địa bàn cánh Tây Thăng Bình vừa giải phóng, không cho địch chiếm trở lại, nhưng về phía ta, cũng có nhiều tổn thất không nhỏ, hàng chục đồng bào cán bộ, chiến sĩ đã phải hy sinh trên mãnh đất này và biết bao tài sản, làng mạc bị sang bằng huỷ diệt, mãi sau này hàng mấy chục năm trôi qua mà địa phương vẫn chưa khôi phục được.
Thắng lợi của Trận đánh Đồng Dương xuất phát từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tinh thần đấu tranh kiên cường, dũng cảm, biết vượt qua mọi khó khăn, thử thách của quân và dân. Người dân Bình Định không những trực tiếp cầm súng tiêu diệt quân thù mà còn tích cực che chở cán bộ, bộ đội, nhiều người bị địch đốt nhà, tra tấn dã man nhưng vẫn kiên cường không hề khai báo bất cứ điều gì ảnh hưởng đến phong trào cách mạng chung, để đạt được những thành quả vẻ vang ấy, người dân Bình Định phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Đây là trận đánh ghi lại những trang sử vẻ vang, hào hùng cùng truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm bất khuất của người dân Bình Định nói riêng và người dân Thăng Bình nói chung.
Nguồn Uỷ ban nhân dân huyện Thăng Bình
 
THEO DÒNG LỊCH SỬ
 
* Những ngày đáng nhớ trong tháng 3:
 
- 03/3/1959: Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng
- 03/3/1989: Ngày Biên phòng toàn dân
- 08/3/40: Ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40- 43 sau công nguyên)
- 08/3/1910: Ngày Quốc tế Phụ nữ
- 20/3/2013: Ngày Quốc tế Hạnh phúc
- 26/3/1931: Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- 27/3/1946: Ngày Thể thao Việt Nam
 
26/3/1931: NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
Mùa xuân năm 1931, từ ngày 20 đến ngày 26/3, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Trước sự phát triển lớn mạnh của Đoàn trên cả 03 miền Bắc, Trung, Nam, ở nước ta xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên và một số địa phương đã hình thành tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến cơ sở.
Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với cách mạng nước ta; đồng thời, phản ánh công lao trời biển của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính yêu- Người đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn. Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 - 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hàng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.
Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:
•    Từ 1931 - 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương
•    Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
•    Từ 11/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương
•    Từ 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam
•    Từ 25/10/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
•    Từ 2/1970 - 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh
•    Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Những thế hệ thanh niên kế tiếp nhau đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì chủ nghĩa xã hội đã liên tiếp lập nên những chiến công xuất sắc và trưởng thành vượt bậc.
* LỊCH SỬ TÊN GỌI CỦA ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH.
Mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có những hình thức đấu tranh và những nhiệm vụ đặt lên hàng đầu khác nhau. Với mỗi giai đoạn, tên gọi của Đoàn đã được thay đổi.
1. Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
Tháng 5/1935, Mặt trận Nhân dân Pháp được thành lập và sau đó giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6/1936. Chính phủ phái tả lên cầm quyền ở Pháp. Căn cứ diễn biến tình hình thế giới và trong nước, tháng 7/1936, Hội nghị Trung ương Đảng đã định ra đường lối, phương pháp tổ chức và đấu tranh cách mạng trong thời kỳ mới.
Nhiệm vụ của Đảng và Nhân dân ta lúc này là tập trung mũi nhọn đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống. Vì vậy, Đảng chủ trương lập Mặt trận Nhân dân Phản đế sau đổi thành mặt trận Thống nhất Dân chủ. Hội nghị BCH Trung ương Đảng họp tháng 7/1936 đã ra những quyết định quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động thanh niên. Theo đó, trong thời kỳ cách mạng từ giữa năm 1936 đến mùa thu năm 1939, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương mang tên Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương phù hợp với nhiệm vụ chính trị qua các nghị quyết của Đảng như trên đã nêu. Đoàn Thanh niên Dân chủ hoạt động công khai, có cơ quan báo chí riêng, đó là các tờ “Bạn dân”, “Thế giới”, “Mới” phát hành ở cả ba miền đất nước. Đoàn đã xây dựng đội ngũ của mình gồm hàng vạn đoàn viên, đấu tranh kiên cường dưới ngọn cờ của Đảng, tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (1931- 1935).
Ngoài việc phát hành báo, tổ chức Đoàn còn lập các Hội đọc sách, Hội văn nghệ, Hội thể thao, đặc biệt là hình thành các nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Nhiều tác phẩm chính trị, văn học của C.Mác. F.Angghen, V.I.Lênin, Goocki… như: “Tuyên ngôn Đảng cộng sản”, “Tư bản”, “Nhà nước là gì?”, “Người mẹ”… cũng như các cuốn sách do các chiến sĩ cộng sản Việt Nam viết như: “Vấn đề dân cầy” của Qua Ninh và Vân Đình, “Mác xít phổ thông” của Hải Triều và Thơ Tố Hữu được đông đảo đoàn viên, thanh niên hân hoan đón đọc.
Được sự quan tâm của các Xứ ủy Đảng, phong trào TN và tổ chức Đoàn được củng cố, phát triển sâu rộng, có hệ thống từ cơ sở lên đến tỉnh, thành và xứ.
Tuy nhiên, đến tháng 9/1939, đại chiến thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Thực dân Pháp thẳng tay thi hành chính sách đàn áp, khủng bố phong trào đấu tranh của các tầng lớp Nhân dân và thanh niên ta. Tổ chức Đoàn phải trở lại hoạt động bí mật.
2. Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương
Tháng 11/1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Nghị quyết Hội nghị nhấn mạnh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của Cách mạng giải phóng dân tộc, là nhiệm vụ hàng đầu của Cách mạng Đông Dương. Hội nghị chủ trương lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các giai cấp và dân tộc ở Đông Dương để đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai của chúng.
Theo chủ trương của Đảng, Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương mang tên mới là Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của các tổ chức TNCS và TNDC trước đây. Đoàn đã xây dựng được cơ sở ở nông thôn, trong nhà máy và các trường học. Trong tình hình mới, tổ chức Đoàn hoạt động bí mật và được tổ chức chặt chẽ. Những ĐVTN Dân chủ được thử thách, lựa chọn và chuyển thành ĐVTN Phản đế, các hội viên TN trong các tổ chức TN phổ thông được giao những công tác thích hợp để thử thách bồi dưỡng.
Tháng 9/1940, Phát xít Nhật xâm lược Đông Dương. Từ đây Nhân dân Việt Nam một cổ hai tròng, bị hai kẻ thù là phát xít Nhật và thực dân Pháp cùng thống trị. Nhưng nhân dân Việt Nam và thế hệ thanh niên nước ta thời kỳ này không chịu khuất phục: Tháng 9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra; tháng 11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ với sự xuất hiện lần đầu tiên lá Cờ đỏ Sao Vàng; tháng 1/1941, nổ ra cuộc binh biến ở đồn Chợ Rạng và đồn Đô Lương.
Các tổ chức Đoàn thanh niên Dân chủ sau đó là Đoàn thanh niên Phản đế đã vận động thanh niên đi đầu trong các cuộc đấu tranh và khởi nghĩa vũ trang từng phần, báo hiệu một thời kỳ mới: chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.
3. Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam
Tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) trong đó có phần nói về: “Vấn đề tổ chức các đoàn thể quần chúng”. Nghị quyết hội nghị ghi: “Vì chính sách của Đảng ta hiện tại là chính sách cứu quốc cho nên mục đích các hội quần chúng cũng xoay về việc cứu quốc là cốt yếu… Việt Nam thanh niên Cứu quốc từ nay là đoàn thể của tất thảy thanh niên từ 18 đến 22 tuổi muốn tranh đấu đánh Pháp, đuổi Nhật”.
Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc bí mật về nước để cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta…
Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp tại Pắc Bó (Cao Bằng) do Nguyễn ái Quốc, đại diện của Quốc tế cộng sản triệu tập và chủ trì. Hội nghị đã nêu một quyết tâm sắt đá: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp trâu ngựa, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Để tập hợp động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Pháp - Nhật, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh (Gọi tắt là Việt Minh) và các Hội cứu quốc, trong đó có: Đoàn Thanh niên Cứu quốc -Việt Nam- một tổ chức của những thanh niên yêu nước tiếp nối sự nghiệp của các tổ chức thanh niên do Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn ái Quốc sáng lập và lãnh đạo trước đó.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 có ý nghĩa lịch sử to lớn. Hội nghị đã hoàn thành việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong thời kỳ mới. Hội nghị đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Đoàn TN Cứu quốc trong cao trào đấu tranh của giải phóng dân tộc. Trong suốt chặng đường dài từ 1941- 1956, Đoàn TN Cứu quốc Việt Nam đã đóng góp to lớn, kể cả hy sinh xương máu, cùng dân tộc vùng dậy trong Cách mạng Tháng Tám, lập nên Nhà nước Dân chủ, cộng hòa- Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tháng 02/1950, Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam được triệu tập tại căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Đây là Đại hội đại biểu toàn quốc đầu tiên của Đoàn, gồm trên 400 đại biểu của ba miền đất nước. Sau đó, Đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên đi tiếp chặng đường hơn 09 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh góp phần xứng đáng làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc (7/1954), bắt tay xây dựng hậu phương lớn XHCN ở miền Bắc, chi viện cho cách mạng giải phóng miền Nam.
4. Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
Tháng 7/1954, hòa bình đợc lập lại trên miền Bắc, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ Chính trị Trung ương Đảng trong phiên họp tháng 9/1954 đã chủ trương đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và xây dựng Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam thành một tổ chức thực sự có tác dụng là lực lợng dự trữ và cánh tay của Đảng.
Quyết nghị có đoạn viết: “Đảng ta là Đảng Lao động Việt Nam. Việc Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam đổi tên thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam sẽ làm cho thanh niên thêm phấn khởi, thêm gắn bó với Đảng và do đó càng quyết tâm phấn đấu đến cùng dới ngọn cờ của Đảng”.
Trong “Quyết nghị về đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và kế hoạch xây dựng Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam” (Ban Bí thư Trung ương- ngày 19/10/1955) đã nêu rõ tính chất, nhiệm vụ, vấn đề tổ chức và kế hoạch xây dựng Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
Về tính chất của Đoàn TNLĐ Việt Nam, Quyết nghị nêu: “Đoàn TNLĐ Việt Nam là một tổ chức quần chúng tiên tiến của TN Việt Nam, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đoàn TNLĐ Việt Nam là trờng học của chủ nghĩa Mác-Lênin của thanh niên, là nơi bồi dỡng lực lợng dự trữ của Đảng, là cánh tay thực hiện mọi chính sách của Đảng”. Quyết nghị của Đảng đã vạch rõ nhiệm vụ của Đoàn trong thời kỳ mới và đề ra kế hoạch xây dựng Đoàn là:
1. Đảm bảo tính chất tiên tiến của Đoàn… Không kết nạp ồ ạt và tập thể. Nơi nào chưa có đủ điều kiện đổi tên Đoàn thì chưa đổi.
2. Làm cho ĐVTN có một nhận thức đúng đắn về Đoàn TNLĐ Việt Nam. Việc kết nạp đoàn viên hoặc đổi tên Đoàn phải trên cơ sở tự nguyện, tự giác của TN.
3. Kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện những nhiệm vụ công tác chính trớc mắt do Đảng đề ra… Việc xây dựng Đoàn TNLĐ Việt Nam cần làm một cách có lãnh đạo và có kế hoạch cụ thể cho từng vùng…”.
Quyết nghị nêu kết luận: “Việc đổi tên Đoàn TNCQ Việt Nam thành Đoàn TNLĐ Việt Nam là một việc rất quan trọng có ảnh hởng đến việc xây dựng một phong trào thanh niên lớn mạnh trong toàn quốc, đến việc phát triển cơ sở Đảng trong quần chúng lao động và việc hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng hiện nay. Các cấp ủy Đảng cần nắm vững đờng lối vận động thanh niên của Đảng, trực tiếp lãnh đạo thực hiện nghị quyết này”.
5. Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và Nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người sáng lập rèn luyện Đoàn ta qua đời. Toàn thể cán bộ, ĐVTN và đội viên thiếu niên, nhi đồng nước ta vĩnh biệt Người với nỗi xót thương vô hạn. Bác Hồ và Đảng đã coi sự trưởng thành của lớp thanh niên nước ta là một trong những thành quả vĩ đại của cách mạng, có quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mai sau.
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, đáp ứng nguyện vọng của thế hệ trẻ và theo đề nghị của Đoàn TNLĐ Việt Nam, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng (03/02/1930- 03/02/1970), BCH T.Ư Đảng đã ra Nghị quyết cho Đoàn Thanh niên và đội thiếu niên, Đội Nhi đồng được mang tên Bác.
Nghị quyết nêu rõ: “… Thể theo nguyện vọng của thế hệ trẻ nước ta và đề nghị của Đoàn TNLĐ Việt Nam”. BCH T.Ư Đảng Lao động Việt Nam Quyết định:
- Đoàn TNLĐ Việt Nam nay là Đoàn TNLĐ Hồ Chí Minh
- Đội TNTP Việt Nam nay là Đội TNTP Hồ Chí Minh
- Đội Nhi đồng Việt Nam nay là Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh
Tổ chức Đoàn và tổ chức đội được mang tên Bác là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm nặng nề trước Tổ quốc và nhân dân. Đoàn ta được mang tên Bác Hồ càng làm rõ mục đích và tính chất của Đoàn là đội tiên phong chiến đấu của TN, đi đầu phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao cả của Đảng và Bác Hồ là độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
6. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Tháng 4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Ngày 26/3/1976, Lễ kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đoàn đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Tại Lễ kỷ niệm này, tổ chức Đoàn trong cả nước đã thống nhất mang tên chung là Đoàn Thanh Niên Lao động Hồ Chí Minh.
Đại hội lần thứ IV của Đảng họp từ ngày 14 đến 20/12/1976 tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đổi tên đảng Lao động Việt Nam (02/1951) thành Đảng Cộng Sản Việt Nam và thể theo nguyện vọng của cán bộ, ĐVTN cả nước, Đại hội Đảng lần thứ IV đã quyết định đổi tên Đoàn TNLĐ Hồ Chí Minh (1970) thành: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đại hội Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh niên trong giai đoạn mới là: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải được xây dựng và củng cố vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là trường học CSCN của lớp người trẻ tuổi, là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng”.
Được mang tên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là vinh dự và tự hào lớn của toàn thể cán bộ đoàn viên nước ta.
Nguồn: Trang điện tử Trung Ương Đoàn
 
08/3/1910: NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ

Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân Mỹ.     
Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản phát triển tột bậc, nhất là ở nước Mỹ. Nền kỹ nghệ phát triển, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bọn chủ tư bản lợi dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em cực khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 08/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New-York (của nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn chủ tư sản phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ. Ðến tháng 2 năm 1909 lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức “Ngày phụ nữ” mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tại New-York đã có 3000 chị dự cuộc họp phản đối chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.
Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Trong phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, đã xuất hiện 2 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Cơ-la-re-Zet-Kin (người Ðức) và bà Rô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Cơ-rúp-xcai-a (vợ của Lê-nin) vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.
Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới. Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, Đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Cô-pen-ha-gơ (thủ đô Ðan Mạch), về dự có 100 nữ đại biểu của 17 nước, đã quyết định lấy ngày 08/3 làm ngày Quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. “Ngày làm việc 8 giờ. Công việc ngang nhau, tiền lương ngang nhau. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Từ đó đến nay, ngày 08/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm Châu tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và hình thức phong phú.
Nội dung ngày quốc tế phụ nữ 08/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm mới “phát triển”, “Giới”. Vấn đề phụ nữ đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đánh giá một các đầy đủ trên những khía cạnh khác nhau thông qua một loạt các hội nghị thế giới. Từ thập niên 70 đến nay, đã có 4 hội nghị thế giới về phụ nữ:
Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại Mêhicô năm 1975, mở đầu thập kỷ phụ nữ.
Hội nghị lần thứ hai tổ chức tại Côpenhagơ (Ðan Mạch) năm 1980.
Hội nghị lần thứ ba tổ chức tại Nairôbi (Kenya) năm 1985. Tại hội nghị này “Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ” đã được thông qua.
Hội nghị lần thứ tư tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995.
Các hội nghị thế giới về phụ nữ do Liên hiệp quốc đứng ra tổ chức là những sự kiện Quốc tế to lớn đối với đời sống chính trị của toàn thế giới đặc biệt đối với phụ nữ. Vì lẽ đó, vấn đề giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một vấn đề toàn cầu.
Mục đích của Hội nghị Bắc Kinh là nhằm kiểm lại việc thực hiện “Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ” đã được đề ra tại hội nghị Narôbi và công ước liên hiệp quốc “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (Công ước CEDAW) đồng thời thông qua “Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000”.
“Tuyên bố Bắc Kinh” và “Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000” là hai văn kiện quan trọng nhất của hội nghị Bắc Kinh. Hai văn kiện này một mặt phác họa những trở ngại trên con đường phấn đấu cho sự bình đẳng của nữ giới bên cạnh nam giới; Mặt khác khẳng định những cam kết và sự quyết tâm của các chính phủ, các tổ chức quốc tế bằng mọi biện pháp nhằm tới mục tiêu Bình đẳng-Phát triển-Hòa bình vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Thực hiện cam kết đó, ngày 4 tháng 10 năm 1997, chính phủ nước ta đã có quyết định số 822/TTG về việc phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành 11 mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 nhằm cam kết trước thế giới Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thực hiện mục tiêu “Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình” của hội nghị Bắc Kinh.
Ở nước ta, ngày 08/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 02 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó./.
                                                               Nguồn: Trang điện tử Hội LHPN Việt Nam
 
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC DÀNH CHO THANH NIÊN
 
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số 02/2017, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên, thanh niên, các tổ chức Đoàn thông tin Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của Thanh niên được ban hành ngày 16/11/2015 với các nội dung sau:
Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên.
 
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thanh niên Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập trên lãnh thổ Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật tham gia hoạt động tình nguyện.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động tình nguyện của thanh niên
Điều 3. Hoạt động tình nguyện của thanh niên
1. Hoạt động tình nguyện của thanh niên bao gồm các loại hình sau đây:
a) Hoạt động tình nguyện thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc từ 24 tháng trở lên được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và xã hội do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc các tổ chức khác của thanh niên tổ chức.
2. Hoạt động tình nguyện của thanh niên thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, nhằm mục đích nhân đạo, mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội, tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán và điều kiện thực tế của địa phương nơi diễn ra hoạt động tình nguyện.
Điều 4. Kinh phí thực hiện chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên
1. Kinh phí thực hiện chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Quyết định này do ngân sách nhà nước bảo đảm trong chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Kinh phí thực hiện chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Quyết định này do cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động tình nguyện tự trang trải hoặc huy động các nguồn viện trợ, tài trợ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Chương II: CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN CỦA THANH NIÊN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN
Điều 5. Chính sách đối với thanh niên trong quá trình thực hiện chương trình, đề án, dự án
1. Được ký hợp đồng lao động làm việc theo quy định của pháp luật.
2. Được tham gia đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Được hưởng các chế độ tiền lương hoặc tiền công, phụ cấp, trợ cấp, công tác phí và chế độ, chính sách khác quy định trong chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Được trang bị phương tiện làm việc và phương tiện bảo hộ cá nhân (nếu có) bảo đảm an toàn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hoạt động tình nguyện.
5. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
6. Được phân công, giao nhiệm vụ phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo và nhu cầu bố trí, sử dụng thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện.
7. Được tham gia hoạt động đoàn thể; được bồi dưỡng, xét kết nạp vào Đoàn, kết nạp Đảng nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
8. Được chính quyền địa phương nơi diễn ra hoạt động tình nguyện tạo điều kiện ổn định về chỗ ăn, ở, sinh hoạt; tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương nơi diễn ra hoạt động tình nguyện.
9. Được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi diễn ra hoạt động tình nguyện xem xét, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý phù hợp với quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của địa phương.
10. Thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi diễn ra hoạt động tình nguyện đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc quyết định được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
11. Thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện bị chết thì được cơ quan tổ chức hoạt động tình nguyện hỗ trợ mai táng và phương tiện đưa về quê quán, gia đình.
Điều 6. Chính sách đối với thanh niên sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án
1. Được ưu tiên xét duyệt để hưởng chính sách về định cư, tái định cư ở các vùng kinh tế mới, làng thanh niên lập nghiệp, đảo thanh niên.
2. Được cấp có thẩm quyền nơi diễn ra hoạt động tình nguyện xem xét, quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ và có nhu cầu tiếp tục ở lại địa phương công tác.
3. Được hỗ trợ một lần bằng một nửa tiền lương tháng hiện hưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
4. Được ưu tiên xét tuyển khi tuyển sinh vào hệ đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học.
5. Nếu trở về địa phương nơi xuất phát thì được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện ổn định cuộc sống.
6. Thanh niên có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
(Còn tiếp)
 Nguồn: thuvienphapluat.vn
 
SỔ TAY NGHIỆP VỤ
 
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số 02/2017, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn nội dung còn lại của Hướng dẫn số 62-HD/HĐTN về tổ chức Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Thăng Bình lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2017-2022,  cụ thể như sau:
VIII. CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP VÀ BẦU ĐOÀN ĐẠI BIỂU DỰ ĐẠI HỘI ĐOÀN CẤP TRÊN
1. Công tác đại biểu Đại hội Đoàn các cấp
1.1. Số lượng đại biểu.
Số lượng đại biểu dự đại hội Đoàn các cấp thực hiện theo quy định cụ thể như sau:
+ Chi Đoàn cơ sở: tổ chức Đại hội đoàn viên.
+ Đoàn cơ sở có dưới 120 đoàn viên: tổ chức Đại hội đoàn viên (đối với các đơn vị đoàn viên không tập trung, công tác, sinh hoạt ở nhiều địa bàn khác nhau; các đơn vị có điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất có thể tổ chức đại hội đại biểu. Tuy nhiên, phải được sự đồng ý của Ban Thường vụ Huyện đoàn và số lượng đại biểu triệu tập phải trên 50% tổng số đoàn viên).
+ Đoàn cơ sở có từ 120 đoàn viên trở lên: tổ chức Đại hội đại biểu, số lượng đại biểu triệu tập ít nhất 60 đại biểu; khuyến khích Đoàn cơ sở tổ chức Đại hội đoàn viên.
- Cấp huyện: từ 120 đến 200 đại biểu.
Số lượng đại biểu cụ thể do Ban Chấp hành cấp triệu tập quyết định trên cơ sở ý kiến của cấp ủy và Đoàn cấp trên trực tiếp.
* Lưu ý: đối với các đơn vị tổ chức Hội nghị đại biểu, số lượng đại biểu không được nhiều hơn số lượng đại biểu dự Đại hội của nhiệm kỳ hiện tại.
1.2. Thành phần đại biểu
-  Đại biểu đương nhiên:
+  Uỷ viên Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội (không trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, kể cả kỷ luật Đảng, chính quyền, đoàn thể).
+ Đại biểu do Đại hội cấp dưới bầu lên theo phân bổ của Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội.
- Đại biểu chỉ định: Chỉ chỉ định những trường hợp cần thiết và phải bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu. Không chỉ định những người đã được bầu cử ở cấp dưới nhưng không trúng cử đại biểu chính thức hoặc dự khuyết làm đại biểu Đại hội. Số lượng đại biểu chỉ định không quá 5% số lượng đại biểu Đại hội.
- Đại biểu dự khuyết: Khi đại biểu chính thức không tham dự Đại hội, báo cáo và được Ban Thường vụ cấp triệu tập Đại hội đồng ý (trừ Ủy viên Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội) thì được cử đại biểu dự khuyết thay thế. Việc bầu chọn đại biểu dự khuyết theo thứ tự số phiếu từ cao xuống thấp; nếu đại biểu dự khuyết có số phiếu bầu bằng nhau thì Ban Chấp hành đoàn cấp dưới thảo luận, thống nhất lựa chọn trên cơ sở thành tích của đại biểu dự khuyết. Trường hợp đã thay thế hết số đại biểu dự khuyết thì Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội xem xét, quyết định chỉ định bổ sung theo đề nghị của Ban Thường vụ Đoàn cấp dưới (nếu thấy cần thiết).
1.3. Cách phân bổ đại biểu do Đại hội Đoàn cấp dưới bầu lên
Căn cứ số lượng đại biểu Đại hội, Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội phân bổ số đại biểu để đơn vị đoàn cấp dưới bầu theo một trong hai cách sau:
- Cách 1:
+ Lấy tổng số đoàn viên hiện có (của Đoàn cấp triệu tập Đại hội) chia cho số lượng đại biểu Đại hội phân bổ cho Đoàn cấp dưới, được tỷ lệ số lượng đoàn viên trên một đại biểu.
+ Căn cứ tỷ lệ số lượng đoàn viên trên một đại biểu, số lượng đoàn viên hiện có của đơn vị đoàn cấp dưới để phân bổ số lượng đại biểu cho đơn vị đó.
Ví dụ: Xã đoàn A có 150 đoàn viên, gồm 5 đơn vị cơ sở Đoàn trực thuộc: Chi đoàn thôn 1 (40 đoàn viên); Chi đoàn thôn 2 (50 đoàn viên); Chi đoàn thôn 3 (30 đoàn viên); Chi đoàn lực lượng Dân Quân (20 đoàn viên) và Trường THCS  (10 đoàn viên). Đề án Đại hội đại biểu Xã đoàn A xác định triệu tập 80 đại biểu. Ban Chấp hành Xã đoàn A đương nhiệm có 09 đồng chí.
Như vậy, cách phân bổ đại biểu như sau:
- Trước hết xác định số lượng đại biểu đương nhiên: 09 đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm và số đại biểu chỉ định (không quá 5% tổng số đại biểu triệu tập): chẳng hạn chỉ định 04 đại biểu. Như vậy, số đại biểu phân bổ cho các đơn vị cơ sở Đoàn sẽ là: tổng số đại biểu triệu tập – (số đại biểu đương nhiên) – (số đại biểu chỉ định) tức là: 80 – 9– 4 = 67 đại biểu.
- Xác định tỷ lệ đoàn viên/1 đại biểu: tổng số đoàn viên/số đại biểu Đại hội phân bổ cho Đoàn cấp dưới, tức là: 150 : 67 = 2,24 (mỗi đại biểu đại diện cho khoảng 2,24 đoàn viên).
- Phân bổ đại biểu cho các đơn vị trực thuộc bằng cách lấy số đoàn viên của đơn vị đó chia cho số đoàn viên đại diện cho 1 đại biểu: Đại biểu phân bổ cho Chi đoàn thôn 1 sẽ là: 40 : 2,24 = 17,8 đại biểu (làm tròn 18 đại biểu). Đại biểu phân bổ cho Chi đoàn thôn 2 sẽ là: 50 : 2,24 = 22,3 đại biểu (làm tròn 22 đại biểu). Đại biểu phân bổ cho Chi đoàn thôn 3 sẽ là: 30 : 2,24 = 13,4 đại biểu ( làm tròn 13 đại biểu). Đại biểu phân bổ cho Chi đoàn lực lượng dân quân sẽ là: 20 : 2,24 = 8,9 đại biểu (làm tròn 9 đại biểu). Đại biểu phân bổ cho Trường THCS  sẽ là: 10 : 2,24 =  4,5 đại biểu (làm tròn 5 đại biểu).
- Cách 2:
+ Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội căn cứ số lượng đoàn viên và tính đặc thù của các đơn vị Đoàn cấp dưới, dự kiến mặt bằng số lượng đại biểu của từng đơn vị.
+ Sau khi có mặt bằng số lượng đại biểu của các đơn vị trực thuộc, thì phân bổ số đại biểu còn lại cho các đơn vị theo tỷ lệ số lượng đoàn viên trên một đại biểu (như cách 1).
Ví dụ với trường hợp Xã đoàn A như trên, cách phân bổ này sẽ như sau: Với 67 đại biểu phân bổ cho cơ sở Đoàn, Ban Chấp hành cấp triệu tập dự kiến mỗi đơn vị ít nhất có 3 đại biểu. Như vậy, số đại biểu phân bổ trước mắt cho các đơn vị cơ sở Đoàn sẽ là: 3x5=15 đại biểu. Số đại biểu còn lại chưa phân bổ: 67-15=52. Số đại biểu này sẽ được chia như cách thứ nhất.
2. Bầu đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên
- Khi phân bổ đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên cho đoàn cấp dưới: Chú ý tính cơ cấu (đại biểu nữ, đại biểu tiêu biểu, đại biểu có độ tuổi mới kết nạp Đoàn).
- Đại biểu được bầu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên phải là đại biểu chính thức của Đại hội Đoàn cấp dưới; là những cán bộ, đoàn viên ưu tú, có uy tín với đoàn viên, thanh niên, có khả năng đóng góp ý kiến vào những  những quyết định của Đại hội.
- Trên cơ sở tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu được Ban Chấp hành Đoàn cấp trên phân bổ, Ban Chấp hành xây dựng Đề án Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên (có dự kiến nhân sự cụ thể) trình Đại hội xem xét, quyết định.
- Bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu Đoàn cấp trên phải bầu đại biểu dự khuyết. Số lượng đại biểu dự khuyết do Đại hội quyết định. Bầu đại biểu chính thức trước, bầu đại biểu dự khuyết sau. Trường hợp bầu đại biểu chính thức đã đủ số lượng mà vẫn còn một số đoàn viên (đối với Đại hội đoàn viên) hoặc đại biểu (đối với Đại hội đại biểu) trong danh sách bầu cử có số phiếu bầu nhiều hơn một phần hai so với số đoàn viên hoặc đại biểu có mặt tại Đại hội, thì Đoàn Chủ tịch xin ý kiến Đại hội về việc lấy đại biểu dự khuyết trong số các đoàn viên hoặc đại biểu đó theo thứ tự số phiếu bầu từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số lượng đại biểu dự khuyết. Trường hợp đã bầu đủ số lượng đại biểu chính thức mà trong danh sách bầu cử còn lại chỉ có số phiếu bầu bằng hoặc thấp hơn một phần hai, thì tổ chức bầu đại biểu dự khuyết trong số những đoàn viên hoặc đại biểu đó. Nếu còn thiếu đại biểu dự khuyết theo quyết định của Đại hội, có bầu tiếp hay không do Đại hội quyết định.
IX. CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI, HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU ĐOÀN CÁC CẤP
1. Chương trình Đại hội
1.1. Nội dung và trình tự của chương trình Đại hội phải đảm bảo tính hợp lý; hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ của Đại hội; đúng nguyên tắc, thủ tục theo quy định của Điều lệ và các quy định của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
1.2. Chương trình Đại hội của Đoàn cấp cơ sở trở lên có thể kết cấu thành 2 phiên:
- Phiên thứ nhất, nên thực hiện các nội dung sau: chào cờ, thông qua chương trình làm việc của Đại hội; thông qua nội quy (quy chế) Đại hội; bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp trên; thảo luận dự thảo các văn kiện của Đại hội.
- Phiên thứ hai, nên thực hiện các nội dung: Diễn văn khai mạc Đại hội; Báo cáo tình hình đại biểu và biểu quyết tư cách đại biểu; Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cũ, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ mới; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội Đoàn cấp trên; nghe phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo cấp ủy cùng cấp, Ban Thường vụ Đoàn cấp trên; bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên; thông qua nghị quyết Đại hội. Chào cờ bế mạc.
1.3. Chương trình Đại hội phải được Đại hội thông qua bằng hình thức biểu quyết.
1.4. Các quyết định của Đại hội ở các phiên đều có giá trị như nhau.
          2. Chương trình Hội nghị đại biểu
2.1. Nội dung và trình tự của chương trình Hội nghị đại biểu phải đảm bảo tính hợp lý; hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ của Hội nghị đại biểu đúng nguyên tắc, thủ tục quy định.
2.2. Chương trình của Hội nghị đại biểu gồm các nội dung:
- Thông qua chương trình làm việc Hội nghị; thông qua nội quy (quy chế) Hội nghị; bầu Chủ tọa, Thư ký Hội nghị, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp trên.
- Diễn văn khai mạc Hội nghị; Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu và biểu quyết tư cách đại biểu; Báo cáo kết quả công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi từ Đại hội đến thời điểm Hội nghị và bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đến hết nhiệm kỳ; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội Đoàn cấp trên; nghe phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo cấp ủy cùng cấp, Ban Thường vụ Đoàn cấp trên; kiện toàn Ban Chấp hành và các chức danh trong Ban Chấp hành (nếu có); bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên.
- Chào cờ khai mạc và bế mạc Hội nghị đại biểu.
2.3. Chương trình Hội nghị đại biểu phải được Hội nghị thông qua bằng hình thức biểu quyết.
X. CÁC CƠ QUAN PHỤ TRÁCH CÔNG VIỆC CỦA ĐẠI HỘI
1. Đối với Đại hội
1.1. Đoàn Chủ tịch Đại hội
- Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm những đại biểu chính thức (đối với Đại hội đại biểu) hoặc đoàn viên (đối với Đại hội đoàn viên), do Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội giới thiệu, Đại hội biểu quyết về số lượng và danh sách Đoàn Chủ tịch. Đoàn Chủ tịch Đại hội điều hành công việc của Đại hội, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số. Đối với chi đoàn cơ sở có số lượng dưới 09 đoàn viên, có thể chỉ bầu 01 người làm Chủ tịch Đại hội.
- Về việc mời lãnh đạo tham gia Đoàn Chủ tịch tại phiên trọng thể của Đại hội: Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội có thể mời đại biểu là đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo Đoàn cấp trên, các bậc lão thành cách mạng… tham gia Đoàn chủ tịch Đại hội nhằm thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, các bậc lão thành cách mạng cũng như các thế hệ cán bộ đoàn với tuổi trẻ, với công tác đoàn và phong trào TTN của địa phương, đơn vị. Số lượng, thành phần mời tham gia Đoàn Chủ tịch do Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội quyết định. Các đồng chí được mời tham gia Đoàn Chủ tịch nêu trên không tham gia điều hành và quyết định các công việc của Đại hội.
1.1.1 Nhiệm vụ
- Điều hành công việc của Đại hội theo chương trình, nội quy (quy chế) đã được Đại hội quyết định.
- Giới thiệu số lượng, danh sách Đoàn Thư ký; Ban Thẩm tra tư cách đại biểu (trừ Đại hội đoàn viên) để Đại hội biểu quyết thông qua.
- Quyết định việc lưu hành các tài liệu của Đại hội.
- Hướng dẫn Đại hội thảo luận và thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội.
- Điều hành công tác bầu cử:
+ Hướng dẫn để Đại hội thảo luận, quán triệt tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu Ban Chấp hành khóa mới; yêu cầu, tiêu chuẩn Bí thư (nếu Đại hội trực tiếp bầu Bí thư); tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên.
+ Hướng dẫn việc ứng cử, đề cử Ủy viên Ban Chấp hành, Bí thư (nếu Đại hội bầu trực tiếp Bí thư) và đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên.
+ Tổng hợp danh sách những người ứng cử, đề cử và những người xin rút; xem xét, quyết định cho rút hoặc không cho rút tên đối với các trường hợp xin rút tên khỏi danh sách bầu cử; trường hợp còn nhiều ‎ý kiến chưa thống nhất thì Đoàn chủ tịch có thể xin ý kiến quyết định của Đại hội; lập danh sách bầu cử, lấy biểu quyết của Đại hội thông qua danh sách bầu cử.
+ Giới thiệu số lượng, danh sách Ban Kiểm phiếu, Trưởng Ban Kiểm phiếu để Đại hội biểu quyết. Lãnh đạo hoạt động của Ban Kiểm phiếu.
- Giải quyết những vấn đề phát sinh trong Đại hội.
- Điều hành thông qua nghị quyết Đại hội.
- Tổng kết, bế mạc Đại hội.
1.1.2. Số lượng Đoàn Chủ tịch Đại hội ở các cấp: Cấp huyện từ 5-9 đồng chí; Cấp cơ sở từ 3-5 đồng chí; Đối với chi đoàn cơ sở từ 1-3 đồng chí.
1.1.3. Bầu Đoàn Chủ tịch Đại hội
- Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch là những đại biểu chính thức (đối với Đại hội đại biểu) hoặc đoàn viên (đối với Đại hội đoàn viên) của Đại hội để giới thiệu với Đại hội.
- Nếu đại biểu Đại hội không giới thiệu thêm nhân sự tham gia Đoàn Chủ tịch, thì Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay một lần số lượng và danh sách Đoàn Chủ tịch .
- Nếu đại biểu Đại hội giới thiệu thêm nhân sự tham gia Đoàn Chủ tịch, thì Đại hội lấy tín nhiệm để quyết định danh sách Đoàn Chủ tịch (biểu quyết hoặc phiếu tín nhiệm).
1.2. Đoàn Thư ký Đại hội
Đoàn Thư ký Đại hội gồm những đại biểu chính thức (đối với Đại hội đại biểu) hoặc đoàn viên (đối với Đại hội đoàn viên), do Đoàn Chủ tịch Đại hội giới thiệu để Đại hội biểu quyết về số lượng, danh sách Đoàn Thư ký và Trưởng Đoàn thư ký. Đối với chi đoàn cơ sở có số lượng đoàn viên ít, có thể chỉ bầu 01 người làm Thư ký Đại hội.
1.2.1. Nhiệm vụ
- Ghi biên bản Đại hội; tổng hợp ý kiến thảo luận và dự thảo các văn bản kết luận, Nghị quyết của Đại hội; trình bày dự thảo Nghị quyết Đại hội.
- Quản lý và phát tài liệu, ấn phẩm của Đại hội theo sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch; tiếp nhận hoa, điện mừng, đơn thư…Thu nhận, bảo quản và gửi đến Ban Chấp hành khóa mới đầy đủ hồ sơ, tài liệu, ấn phẩm của Đại hội.
1.2.2. Số lượng Đoàn Thư ký Đại hội ở các cấp
- Đại hội Đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở: từ 1 - 3 đồng chí.
- Số lượng Đoàn Thư ký ở Đại hội đại biểu cấp huyện từ 2 - 5 đồng chí.
1.2.3. Bầu Đoàn Thư ký Đại hội
- Đoàn Chủ tịch Đại hội giới thiệu với Đại hội số lượng, danh sách dự kiến các thành viên và Trưởng Đoàn Thư ký là những đại biểu chính thức (đối với Đại hội đại biểu) hoặc đoàn viên (đối với Đại hội đoàn viên) của Đại hội.
- Quy trình bầu Đoàn Thư ký tiến hành như bầu Đoàn Chủ tịch Đại hội.
1.3. Ban Thẩm tra tư cách đại biểu
Ban Thẩm tra tư cách đại biểu gồm những đại biểu chính thức, do Đoàn Chủ tịch Đại hội giới thiệu, Đại hội biểu quyết số lượng và danh sách Ban Thẩm tra tư cách đại biểu.
Đại hội đoàn viên không bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu. Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội cung cấp tài liệu và báo cáo các nội dung liên quan đến tư cách đại biểu để Đoàn Chủ tịch báo cáo với Đại hội xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua.
1.3.1. Nhiệm vụ
- Xem xét báo cáo và các tài liệu liên quan do Ban Chấp hành cấp triệu tập Đại hội cung cấp về việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, tình hình và kết quả bầu cử đại biểu; những vấn đề có liên quan đến tư cách đại biểu để xét tư cách đại biểu.
- Xem xét các đơn thư khiếu nại, tố cáo về tư cách đại biểu; báo cáo với Đoàn Chủ tịch để trình Đại hội xem xét, quyết định về những trường hợp không đủ tư cách đại biểu.
- Báo cáo với Đại hội kết quả thẩm tra tư cách đại biểu để Đại hội xem xét, biểu quyết công nhận.
- Hướng dẫn đại biểu Đại hội thực hiện nghiêm túc nội quy của Đại hội.
1.3.2. Số lượng Ban Thẩm tra tư cách đại biểu
- Đại hội đại biểu Đoàn cơ sở từ 1 - 3 đồng chí.
- Đại hội đại biểu  Đoàn cấp huyện từ 3 - 7 đồng chí.
1.3.3. Bầu Ban Thẩm tra tư cách đại biểu
- Đoàn Chủ tịch Đại hội giới thiệu với đại hội số lượng, danh sách dự kiến các thành viên và Trưởng Ban thẩm tra tư cách đại biểu là những đại biểu chính thức của Đại hội.
- Quy trình bầu Ban Thẩm tra tư cách đại biểu tiến hành như bầu Đoàn Thư ký Đại hội.
1.4. Ban Kiểm phiếu
Ban Kiểm phiếu gồm những đại biểu chính thức (đối với Đại hội đại biểu) hoặc đoàn viên (đối với đại hội đoàn viên) không có tên trong danh sách bầu cử, do Đoàn Chủ tịch giới thiệu, Đại hội biểu quyết thông qua về số lượng và danh sách.
1.4.1. Nhiệm vụ
- Hướng dẫn nguyên tắc, thủ tục bầu cử, điều kiện trúng cử và cách thức bỏ phiếu.
- Kiểm tra, niêm phong thùng phiếu; phát phiếu trực tiếp cho đại biểu (hoặc theo đoàn đại biểu); kiểm tổng số phiếu phát ra, thu về báo cáo Đại hội; tiến hành kiểm phiếu bầu; xem xét và kết luận về các phiếu không hợp lệ.
- Xem xét và báo cáo Đoàn Chủ tịch quyết định những trường hợp vi phạm nguyên tắc bầu cử hoặc có đơn thư khiếu nại về bầu cử trong Đại hội.
- Lập biên bản kiểm phiếu, báo cáo Đoàn Chủ tịch; công bố kết quả bầu cử; niêm phong phiếu bầu và chuyển cho Đoàn Chủ tịch Đại hội để Đoàn Chủ tịch Đại hội bàn giao cho Ban Chấp hành khoá mới lưu trữ theo quy định.
1.4.2. Số  lượng Ban Kiểm phiếu
- Đại hội Đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở từ 1 - 5 đồng chí.
- Đại hội Đoàn cấp huyện từ 5 - 11 đồng chí.
14.3. Bầu Ban Kiểm phiếu
- Đoàn Chủ tịch Đại hội giới thiệu với đại hội số lượng, danh sách dự kiến các thành viên, Trưởng Ban Kiểm phiếu là những đại biểu chính thức của Đại hội.
- Quy trình bầu Ban Kiểm phiếu tiến hành như bầu Đoàn Thư ký Đại hội.
2. Đối với Hội nghị đại biểu:
Các cơ quan điều hành của Hội nghị đại biểu tương tự như các cơ quan điều hành Đại hội. Ban Chấp hành cấp triệu tập Hội nghị căn cứ tình hình thực tế, báo cáo cấp ủy và đoàn cấp trên để có phương án thực hiện cho phù hợp.
XI. HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH LẦN THỨ NHẤT
1. Đối với những đơn vị đã bầu được Bí thư khóa mới, đồng chí Bí thư khóa mới là người triệu tập và chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành để bầu các Ủy viên Ban Thường vụ còn lại; bầu các Phó bí thư; Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra.
2. Đối với những đơn vị chưa bầu được Bí thư khóa mới, thì đồng chí Bí thư hoặc Phó bí thư khoá cũ có trách nhiệm triệu tập phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành khoá mới và chủ trì để bầu chủ tọa hội nghị. Trong trường hợp cần thiết, Đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp thống nhất chỉ định một đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành khóa mới làm triệu tập viên để bầu Chủ tọa hội nghị. Hội nghị Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ, Bí thư, các Phó bí thư, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra.
Ban Chấp hành có quyền quyết định số lượng Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra. Số lượng Ủy viên Ban Thường vụ không quá một phần ba (1/3) số lượng Ủy viên Ban Chấp hành. Số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra không nhiều hơn số lượng Ủy viên Ban Thường vụ.
XII. DUYỆT CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP
1. Thẩm quyền duyệt kế hoạch Đại hội Đoàn các cấp
Ban Thường vụ Đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm và thẩm quyền duyệt kế hoạch Đại hội Đoàn các đơn vị trực thuộc.
2. Thành phần duyệt Đại hội:
* Duyệt đại hội cấp cơ sở:
- Đại diện Thường trực Huyện đoàn, các cán bộ phụ trách lĩnh vực chuyên môn có liên quan.
- Tập thể Ban Thường vụ đoàn cơ sở (tập thể Ban Chấp hành đối với Chi đoàn cơ sở).
3. Thời gian gửi hồ sơ và thời gian duyệt Đại hội
- Thời gian gửi hồ sơ duyệt Đại hội Đoàn lên Đoàn cấp trên: chậm nhất 15 ngày trước ngày duyệt Đại hội.
- Thời gian duyệt Đại hội: 01 tháng trước khi tổ chức Đại hội.
4. Hồ sơ duyệt kế hoạch Đại hội Đoàn các cấp
- Đề án (hoặc kế hoạch) tổ chức Đại hội.
- Dự thảo chương trình Đại hội.
- Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới.
- Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành khóa cũ.
- Đề án nhân sự Ban Chấp hành và Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên (Đề án phải kèm theo danh sách trích ngang lý lịch dự kiến nhân sự bầu Ban Chấp hành, nhân sự giới thiệu bầu Ban Thường vụ, Bí thư và các Phó bí thư phải kèm lý lịch theo mẫu 2C; trích ngang lý lịch dự kiến nhân sự Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên).
Ngoài các hồ sơ trên, đối với Huyện đoàn phải trình hồ sơ nhân sự giới thiệu bầu vào Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.
Hồ sơ duyệt kế hoạch Đại hội phải xin ý kiến của cấp ủy Đảng cùng cấp trước khi báo cáo lên Đoàn cấp trên.
XIII. CHUẨN Y KẾT QUẢ BẦU CỬ
1. Sau Đại hội, Ban Chấp hành khoá mới báo cáo Ban Thường vụ Đoàn cấp trên trực tiếp biên bản Đại hội; biên bản bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư và danh sách trích ngang của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành (theo mẫu M1 đính kèm) và Tờ trình đề nghị chuẩn y kết quả bầu cử (theo mẫu đính kèm).
2. Chậm nhất 15 ngày sau ngày tổ chức Đại hội, Đoàn cấp dưới phải gửi hồ sơ đề nghị Đoàn cấp trên chuẩn y kết quả bầu cử.
3. Chậm nhất sau 15 ngày khi nhận được đề nghị của Ban Chấp hành Đoàn cấp dưới về chuẩn y kết quả bầu cử, Ban Thường vụ Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định công nhận Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh đã được bầu của Đoàn cấp dưới theo quy định của Điều lệ Đoàn.
4. Bí thư, Phó Bí thư được điều hành các công việc ngay sau khi được đại hội, hội nghị bầu. Đối với các văn bản chỉ đạo của Đoàn, chỉ được ký văn bản khi có quyết định công nhận của Đoàn cấp trên trực tiếp.

THANH NIÊN VÀ NGHỀ NGHIỆP
 
5 kỹ năng mềm cần có trong mọi cuộc phỏng vấn
 
Trong bất cứ cuộc phỏng vấn nào, nhà tuyển dụng cũng đều tìm kiếm và ưu tiên cho những ứng viên có nhiều "kỹ năng mềm". Vì đó là những khả năng thuộc về năng khiếu vốn có của mỗi cá nhân, qua thời gian làm việc nó được mài giũa để tiến bộ hơn, phù hợp cho tất cả mọi công việc.
Trong bài viết này sẽ giới thiệu, bàn luận về 5 kỹ năng mềm mà nhà tuyển dụng hay chú ý trong mọi cuộc phỏng vấn.
1. Tổ chức
2. Bình luận có logic
3. Truyền đạt
4. Làm việc nhóm và độc lập
5. Đảm trách nhiều công việc
1. Kỹ năng tổ chức 
Trừ phi bạn nộp đơn cho một công việc như một nhà khoa học điên rồ thì mới không cần đến kỹ năng tổ chức. Tổ chức là một kỹ năng cần thiết cho bất cứ công việc nào. Những nhà tuyển dụng có khả năng phán đoán được một cá nhân có thể xử lý rất nhiều công việc cùng lúc như thế nào thông qua quá trình phỏng vấn.
Cách tốt nhất để trình bày kỹ năng này là: Ăn mặc chuyên nghiệp và gọn gàng khi đi phỏng vấn. Hãy giữ những vật cần thiết hay những tài liệu trên tay nếu bạn nghĩ rằng chúng thích hợp cho cuộc phỏng vấn. Những thứ như: bút, giấy tờ, bản sơ yếu lý lịch, hay danh thiếp phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển. Tổ chức những suy nghĩ của bạn trước khi phỏng vấn. Chuẩn bị trả lời những câu hỏi phỏng vấn tiêu biểu, điều đó sẽ phản ánh một ý thức về một thái độ thiện ý, sẵn sàng với công việc.
2. Khả năng bình luận có logic
Không ai muốn thuê một nhân viên lười suy nghĩ trong công việc. Nếu không, họ mua một người máy có lẽ tốt hơn. Hầu hết nhà tuyển dụng đều muốn những ứng viên có thể suy nghĩ bằng trí óc của họ và phản ứng lại. Họ đang tìm kiếm những người mà sẽ không khóc lóc với mỗi bước lùi nhỏ. Họ tìm kiếm ứng viên có khả năng giải quyết tốt mọi vấn đề. Có khả năng phê bình một cách chín chắn, cũng đồng nghĩa rằng bạn có thể đi xuyên qua được mọi chướng ngại trong công vịêc.
Cách tốt nhất để thể hiện kỹ năng này là: Trước phỏng vấn, chuẩn bị một danh sách những câu chuyện hoặc những công việc mà bạn đã từng làm qua, có yêu cầu về khả năng bình luận có logic để giải quyết một vấn đề khó khăn nào đó. Chờ khi thích hợp, hãy mang những chuẩn bị ấy trình bày trong lúc phỏng vấn. Cách bạn thể hiện thông qua việc trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Hãy để người phỏng vấn hiểu được khả năng của bạn thông qua quá trình đáp lại các câu hỏi.
3. Kỹ năng phát biểu
Chứng sợ nói hay sợ hãi khi phát biểu trước đám đông thường gặp ở những người không chuẩn bị và thiếu tự tin, nên đòi hỏi phải làm một sự tác động mạnh cho những yêu cầu kỹ năng này. Trừ khi bạn truyền đạt ý tưởng của mình tới người khác một cách hiệu quả, thì có lẽ bạn đã trở thành một người rất tự tin. Đây là cách chính xác giải thích vì sao những nhà tuyển dụng luôn yêu cầu mỗi cá nhân phải có khả năng truyền đạt tốt, thường để phát biểu trước công chúng.
Cách tốt nhất để thể hiện khả năng này là: Thực hành cách nói, hoặc trả lời những câu hỏi phỏng vấn qua gương khi ở nhà. Như thế sẽ kiểm soát được giọng điệu của bạn lúc phát biểu, và để bạn nhìn thấy được những tư thế ứng xử không hợp lý lúc bạn thực hành qua gương. Thực hành cuộc phỏng vấn với một người bạn, qua đó bạn có thể học cách giữ bình tĩnh khi đối mặt với người phỏng vấn. Điềm tĩnh và luôn duy trì mắt trực chỉ với người đối diện. Sẽ rất khó khăn nếu bạn bất đồng ý kiến với một người tự tin và đầy kinh nghiệm như nhà tuyển dụng. Một khi bạn có sự tự tin thì bạn sẽ cầm chắc được nước cờ chiến thắng.
4. Khả năng làm việc nhóm và độc lập
Cùng với việc có khả năng truyền đạt những ý tưởng tốt của riêng bạn, thì bạn cũng phải có khả năng tiếp thu những ý kiến của người khác và có khả năng xây dựng nhóm làm việc với họ. Nhiều công ty cần những người có khả năng cộng tác tốt: những người mà sẽ làm vịêc chăm chỉ để tăng hiệu quả công việc vừa cho nhóm vừa cho chính bản thân họ.
Cách tốt nhất để thể hiện kỹ năng này là: Cũng như trong trường hợp của kỹ năng bình luận có logic, thật là một ý tưởng tốt để chuẩn bị một danh sách với những minh chứng, trong đó bạn là một phần kết quả thành công của nhóm. Những minh chứng này có thể không cần phải đưa vào công việc của bạn, nhưng bạn cần phải thể hiện nó khi đối mặt với cuộc phỏng vấn. Khi có thể, hãy trình bày những thành tích của bạn trong việc làm nhóm. Đặc biệt, tốt hơn nếu bạn thể hiện khả năng công tác, phân công và dẫn dắt tốt trong việc làm nhóm.
Đừng lo ngại khi đề cập đến những rắc rối mà nội bộ nhóm mắc phải và bạn đã tìm cách vượt qua. Trong một nhóm không có sự đồng tình 100%, sẽ có một vài cá nhân bất đồng quan điểm trong một lúc nào đó. Việc có khả năng để làm việc xuyên qua những vấn đề khó khăn và đi đến kết quả tốt đẹp là một thành công to lớn.
5. Khả năng đảm trách nhiều công việc
Những nhà doanh nghiệp luôn vui mừng khi điều khiển được việc hạ thấp những phí tổn, và cách tốt nhất để làm được điều này là thuê những nhân viên có khả năng làm được nhiều công việc hơn mức bình thường. Đó thường là trường hợp mà một nhân viên có khả năng làm việc hiệu quả gấp đôi người khác. Những nhân viên này được trả lương theo giờ làm việc của họ, và những nhà tuyển dụng muốn có được một năng suất làm việc vượt mức những gì mà họ trả. Một nhân viên có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ cùng lúc là ứng viên được nhà tuyển dụng chú ý.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Trường ĐH Kinh Tế Tp.HCM
 
THANH NIÊN VÀ PHÁP LUẬT
 
Trong tài liệu sinh hoạt chi đoàn số tháng 02/2017, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, nội dung cụ thể như sau:

I. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP là người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017.
2. Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017.
II. Điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội
1. Tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này được điều chỉnh theo công thức sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng
 
Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 1 dưới đây:
 Bảng 1
Năm Trước 1995 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005
Mức điều chỉnh 4,40 3,74 3,53 3,42 3,18 3,04 3,09 3,10 2,99 2,89 2,69 2,48
Năm 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017
Mức điều chỉnh 2,31 2,13 1,73 1,62 1,48 1,25 1,15 1,08 1,03 1,03 1,00 1,00
2. Đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
III. Điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội
1. Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này được điều chỉnh theo công thức sau:
Thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm x Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng
 
Trong đó, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 2 dưới đây:
Bảng 2
Năm 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017
Mức điều chỉnh 1,73 1,62 1,48 1,25 1,15 1,08 1,03 1,03 1,00 1,00
2. Đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này. Mức bình quân thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần và trợ cấp tuất một lần được tính theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.
 Nguồn: thuvienphapluat.vn
 
BÀI HÁT THANH NIÊN
 
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số tháng 02/2017, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên lời bài hát “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”
Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí MInh
                           Sáng tác: Văn Dung

Vững bước đi lên quê hương đang vẫy gọi.
Xứng đáng thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.
Dù ngàn gian khó, thề nguyện hi sinh,
Chiến đấu suốt đời dưới cờ Đảng quang vinh.
Đi lên thanh niên,
Lời Bác dạy ta nhớ khắc ghi sâu đây Đoàn ta luôn tiên phong.
Vinh quang thanh niên,
Được Bác chăm lo như rừng hoa tươi lớn lên dưới cờ cách mạng.
Bao lớp thanh niên đã nêu gương sáng ngời,
Anh Trỗi, anh Xuân quên mình vì nước non.
Đời đời tiếp bước, cùng Đoàn ta đi,
Có những Kim Đồng hướng về Đảng quang vinh.
Đi ta đi lên,
Tổ quốc chờ ta đem sức thanh xuân xây dựng quê hương thân yêu.
Trong muôn gian lao,
Truyền thống vinh quang luôn nhắc nhở Đoàn ta sao xứng danh
Cháu Bác Hồ Chí Minh.
Vững bước đi lên quê hương đang vẫy gọi.
Như cánh chim bay bay tỏa về khắp nơi.
Từ miền rừng núi, về miền khơi xa,
Đất nước đang chờ đón bàn tay chúng ta.
Đi ta đi lên,
Tổ quốc chờ ta đem sức thanh xuân xây dựng quê hương thân yêu.
Trong muôn gian lao,
Truyền thống vinh quang nhắc nhở Đoàn ta sao xứng danh
cháu Bác Hồ Chí Minh.
 
ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI ĐOÀN
 
1. Tuyên truyền ý nghĩa Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955), lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, vai trò giá trị lịch sử của Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đối với dân tộc Việt Nam; tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp, những chuẩn mực đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, các cuộc thi (thi nấu ăn, cắm hoa nghệ thuật,...), tham quan du lịch, gặp mặt nữ cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công tiêu biểu để trao đổi kinh nghiệm trong công tác, xây dựng gia đình hạnh phúc..
2. Tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống 86 năm hình thành, phát triển của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2017); tập trung giới thiệu những thành quả, sự cống hiến của tổ chức Đoàn, của các thế hệ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể; giới thiệu các điển hình đoàn viên tiêu biểu, các công trình thanh niên, phần việc thanh niên hiệu quả…
3. Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và tuyên truyền các nội dung khác gắn với việc học tập, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các Nghị quyết và chương trình hành động gắn với phát động phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
4. Nắm bắt diễn biến tình hình, tư tưởng trong đoàn viên thanh niên và dư luận xã hội trong đoàn viên thanh niên; tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với đoàn thể địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, định hướng dư luận xã hội, xử lý các vấn đề bức xúc trong đoàn viên thanh niên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
5. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
6. Tuyên truyền công tác chuẩn bị Đại hội Đoàn các cấp cơ sở và công tác chuẩn bị Đại hội Đoàn cấp huyện và tương đương.
7.  Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn, trong đó tăng cường triển khai kế hoạch hành động thực hiện chỉ thị 42 CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”.
8. Bên cạnh đó BCH các chi Đoàn lồng ghép lựa chọn những nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp với chi đoàn như: kỷ niệm 77 năm Ngày sinh Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (08/3/1940- 08/3/2017); kỷ niệm 72 năm Ngày Khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945 – 11/3/2017); Kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 – 27/3/2017).
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thăm dò ý kiến

Website của tuổi trẻ Thăng Bình thế nào?

standee trai
standee ben trai